Bằng đại học có quan trọng không? Về thị trường việc làm, bạn phải xem rằng sức khỏe của mình cũng là một loại hàng hóa. Việc rao bán sức khỏe (trí tuệ, tinh thần, lẫn sức mạnh cơ bắp) đều tuân theo các quy luật khác của thị trường và quan trọng nhất chính là quy luật cung cầu. Trong quy luật cung cầu, khi bạn bán một loại hàng hóa có nhiều trên thị trường, cung vượt cầu thì giá trị của bạn sẽ suy giảm. Ngược lại, nếu bạn bán một mặt hàng mà không phải ai cũng có thể cung cấp, cung không đáp ứng được cầu thì giá trị của nó sẽ cao.
Các loại hàng hóa của con người, trong đó có sức khỏe, sẽ tuân theo các quy tắc giá trị dưới đây:
1. Giá trị hàng hóa quyết định bởi thời gian, công sức của con người bỏ ra để làm ra sản phẩm ấy:
Giá trị của hàng hóa không nằm ở giá trị sử dụng cao hay thấp mà nằm ở thời gian, công sức con người tạo ra sản phẩm ấy. Không khí, con người không hề mất nhiều công sức (nếu không muốn nói là không) để tạo ra nó. Tuy nhiên, giá trị sử dụng lại rất cao (không có con người sẽ chết). Vậy nhưng, chúng lại không có giá trị mua bán trên thị trường.
Hay như, cùng các loại đồng hồ nhưng giá trị của chúng rất khác nhau. Có loại hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, trong khi có loại lại rất rẻ, dù giá trị sử dụng vẫn như nhau. Điều khác biệt nằm ở thời gian, công sức của con người khi tạo ra chúng. Đồng hồ Thụy Sỹ thường có giá trị hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng là vì công sức của người ta làm ra rất cao. Giá nhân công ở Thũy Sỹ cao hơn vì để đào tạo ra một chuyên gia sản xuất đồng hồ, một công nhân phải hao tốn nhiều tài nguyên, thời gian học tập, đào tạo... Và đồng hồ của Thũy Sỹ cũng được làm thủ công, rất nhiều thời gian để xây dựng thị trường, thương hiệu... Tất cả các yếu tố đó đã thuyết phục người khác bỏ ra số tiền rất lớn để đổi lấy một chiếc đồng hồ dù có giá trị sử dụng hoàn toàn giống các loại đồng hồ khác.
Hoa quả được gieo trồng theo các quy trình nông nghiệp sạch như VietGAP đều được bán giá cao hơn các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Sức lao động của con người cũng vậy, cũng tuân theo quy luật này. Để đào tạo ra một người có trình độ lao động qua đào tạo, đặc biệt là đại học, sau đại học, thời gian và tiền bạc rất tốn kém. Chính điều này làm cho giá trị công sức lao động của một người qua đào tạo luôn cao hơn một người chưa đào tạo xét trên cùng một loại công việc.
2. Giá trị hàng hóa quyết định bởi quy luật cung cầu:
Khi cung vượt cầu, giá trị hàng hóa sẽ giảm xuống. Khi cung không đáp ứng được cầu, giá trị hàng hóa sẽ leo thang. Khi các biến động địa chính trị, thiên tai... xảy ra, hàng hóa tiêu dùng trở nên khan hiếm, giá trị của chúng sẽ bị đẩy lên rất cao. Ngược lại, khi có đột biến về năng suất hoặc do bất kỳ nguyên nhân gì dẫn tới việc hàng hóa xuất hiện số lượng lớn trên thị trường và vượt xa nhu cầu của người dùng thì giá trị của chúng sẽ giảm xuống.
Sức lao động của con người vẫn tuân theo quy luật này. Các lao động phổ thông, không qua đào tạo thường có số lượng rất lớn, nguồn cung cấp dồi dào, dẫn tới giá trị công lao động rất thấp. Trong khi các loại hình lao động qua đào tạo lại khan hiếm trên thị trường, vì bản chất không phải ai cũng đủ khả năng được đào tạo, sẽ có giá trị rất cao. Đặc biệt, các chuyên gia thường được săn đón và chào mời với giá trị rất cao trên thị trường việc làm.
Nắm được quy luật này nên việc lao động phổ thông, chưa qua đào tạo đã tiến hành "xuất khẩu lao động" đi sang những thị trường có nguồn cung lao động khan hiếm hơn để tăng giá trị của mình, đồng thời tránh thị trường trong nước đã bị bão hòa, dồi dào lao động phổ thông giá rẻ. Không những thế, các lao động đã qua đào tạo cũng tiến hành di chuyển tới các thị trường tiềm năng để tăng giá trị của bản thân. Trong một tập thể mạnh, bạn là kẻ yếu, nhưng trong một tập thể yếu, bạn là kẻ mạnh. Đó là lý do tại sao nhiều lao động qua đào tạo nhưng không đáp ứng được thị trường trong nước đã xuất khẩu lao động sang nước ngoài có thể gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Người Việt dù trình độ đào tạo chỉ tới lớp 5, lớp 9, vẫn có thể làm chủ ở những nước châu Phi nghèo, chậm phát triển nào đó, vì đơn giản ở trong nước họ là "kẻ yếu", nhưng ra nước ngoài họ là "kẻ mạnh". Trong một quốc gia mà người dân không được đi học, không biết tính toán, không có kinh nghiệm tổ chức, quản lý, bạn có thể là kẻ rất ưu tú dù học vấn chỉ tới lớp 5. Không những thế, người phương Tây cũng sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội khi khả năng cạnh tranh của họ ở chính quốc gia mình không cao.
3. Giá trị thương hiệu:
Tại sao cùng bán một loại sản phẩm, cùng có giá trị sử dụng như nhau, nhưng giá trị các mặt hàng có thương hiệu, có tên tuổi lại cao hơn rất nhiều các hàng trôi nổi không? Đấy chính là vấn đề của sự "minh bạch, an toàn, tin tưởng" đối với thương hiệu của mặt hàng đó. Các mặt hàng cao cấp, xa xỉ luôn biết tạo ra các giá trị tin tưởng ngoài giá trị sử dụng để tăng giá trị lên nhiều lần. Các loại hàng hóa nông nghiệp được gắn nhãn mác, có quy trình sản xuất rõ ràng, truy suất nguồn gốc tốt luôn có giá trị rất cao. Đó là lý do tại sao cùng giá trị sử dụng như nhau, với sức lao động trong cùng một loại công việc, nhưng bạn tốt nghiệp trường Đại học A lại có giá hơn Đại học B. Vì đơn giản trường A có quy trình đào tạo tốt hơn, có giá trị thương hiệu cao hơn...
Những bạn được đào tạo Đại học với quy trình chuẩn, tiên tiến bao giờ cũng có giá cao hơn các bạn chưa qua đào tạo hoặc tự đào tạo với quy trình chưa được kiểm chứng. Bằng cấp giống như thương hiệu, nhãn mác với sức lao động của các bạn. Những bạn có bằng cấp, khi xuất khẩu sang các nước phát triển, thường có giá trị rất cao. Ngược lại, những người không có bằng cấp chỉ có giá trị thấp.
>> 'Bằng đại học như tấm vé thông hành'
4. Giá trị sử dụng:
Cuối cùng, giá trị hàng hóa vẫn quyết định bởi giá trị sử dụng. Một loại hàng hóa sinh ra, dù cao cấp hay thấp cấp, đều phải đáp ứng được giá trị sử dụng của chúng. Nếu không có giá trị này, mọi giá trị bán theo như thương hiệu cũng sẽ không có. Không ai bỏ tiền mua một sản phẩm không có bất kỳ giá trị sử dụng nào, dù chỉ là vật có giá trị lưu niệm, trưng bày. Sức lao động của con người cũng được quyết định bởi giá trị sử dụng này.
5. Thái độ xã hội với bằng cấp:
Thái độ này phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh để có được việc làm, có được lợi thế trong không gian lao động sinh tồn. Ở những nước nghèo nàn tại châu Phi, bạn không thể nói chuyện bằng cấp vì phần lớn người dân ở đây không được học hành, hay đào tạo. Khi bạn có thái độ quá trọng bằng cấp, bạn không thể tìm được các ứng viên phù hợp, khi đó bạn sẽ bị đào thải khỏi xã hội này. Ngược lại, ở ở những nước mà phần lớn lao động đã được qua đào tạo có bài bản như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc..., nếu không có bằng cấp, bạn sẽ bị đào thải.
Do đó, thái độ của xã hội với bằng cấp sẽ phụ thuộc vào phần lớn thái độ của lao động nước đó. Thái độ này chính là thái độ "thích nghi". Ở một xã hội không có nhiều bằng cấp thì phần lớn người dân sẽ có thái độ "không xem trọng bằng cấp". Ngược lại, ở một xã hội có nhiều bằng cấp, thái độ của xã hội chính là coi trọng lao động đã qua đào tạo, và lao động có bằng cấp.
6. Thái độ bản thân với bằng cấp:
Có nhiều người phương Tây sang Việt Nam lại luôn cố gắng tuyên truyền về một xã hội không bằng cấp. Vì đơn giản, thái độ của họ dựa trên lợi ích và hoàn cảnh cá nhân. Phần lớn người phương Tây sang Việt Nam đều tuân theo việc né "ở trong tập thể mạnh". Nên họ sẽ cố gằng bảo vệ giá trị bản thân họ, bảo tồn lợi thế hiện tại mà họ đang có. Khi bất kỳ ai muốn bảo vệ lợi ích của mình, họ sẽ luôn có xu hướng lựa chọn thái độ phù hợp với lợi ích. Nên người có bằng cấp sẽ có thái độ trọng bằng cấp, người không có bằng cấp sẽ có thái độ không coi trọng bằng cấp.
7. Giá trị bằng cấp trong xã hội:
Lực lượng qua đào tạo có bài bản, có giá trị bằng cấp được chứng nhận tốt, được chấp nhận trên thị trường quốc tế, sẽ là lợi thế rất lớn, có tiếng vang không chỉ nằm trong việc đáp ứng được thị trường lao động mà còn có giá trị khẳng định rằng, xã hội đó làm chủ được công nghệ, quy trình đào tạo bài bản, có lợi thế cạnh tranh.
8. Những người không bằng cấp vẫn thành công:
Có rất nhiều người thành công nhưng không có bằng cấp. Điều khác biệt nằm ở khả năng tự học hỏi, biết chọn thị trường tiềm năng và cộng sinh học vấn. Tức là, một người qua đào tạo có bằng cấp, không chỉ có lợi ích cho chính họ mà còn mang lại giá trị cho nhiều người khác trong cộng đồng. Những người có bằng đại học, học vấn cao sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, tạo ra nhiều giá trị lao động cao hơn, từ đó mức chi cho sinh hoạt cao hơn, làm cho mức thu nhập của "bà bán xôi", bán hàng tạp hóa, đồ ăn... cũng cao thêm dù họ không có bằng cấp bằng khách hàng của họ. Đây chính là hình thức cộng sinh học vấn. Trong công nghệ thông tin cũng vậy, bạn sẽ thấy những cá nhân không có bằng cấp vẫn thành công, nhất định nguyên do là họ được cộng sinh học vấn.
>> Theo bạn, bằng đại học có cần thiết không? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.