Bây giờ hai vợ chồng muốn làm IVF nhưng rất lo lắng nếu chẳng may là F0 thì khi nào được chọc trứng, lấy tinh trùng, chuyển phôi? (Thanh Nga, 32 tuổi, Khánh Hòa)
Trả lời:
Lo ngại dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn trì hoãn kế hoạch sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản để có con. Tuy nhiên, dịch xuất hiện 2 năm và chưa có dấu hiệu kết thúc, nếu chúng ta tiếp tục trì hoãn thì sẽ tỷ lệ thuận với việc giảm đi cơ hội tìm con. Vợ chồng bạn đã ngoài 30 tuổi, ở tuổi này sinh con đã khá muộn, do đó không nên trì hoãn việc sinh con bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại.
Thời gian qua, tuy dịch bệnh phức tạp nhưng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM (IVFTA-HCM) vẫn thực hiện biện pháp hỗ trợ sinh sản cho hàng trăm cặp vợ chồng vô sinh. Đặc biệt, IVFTA-HCM đã thực hiện chọc trứng, chuyển phôi cho hơn 10 ca có vợ hoặc chồng, hoặc cả hai vợ chồng là F0.
Về cơ sở khoa học, theo một số nghiên cứu nhỏ được công bố thì có sự tồn tại của Covid-19 trong tinh dịch của người đàn ông. Đối với nữ giới bị Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng, nCoV dường như không xuất hiện trong nang hoặc nội mạc tử cung, và quan trọng là những bệnh nhân này vẫn có thể tạo ra phôi thai có khả năng phát triển. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa thể xác định được trong tương lai Covid-19 này có ảnh hưởng gì lên sự phát triển của phôi hay không.
Từ những kết quả nghiên cứu trên, khi điều trị hiếm muộn cho những cặp vợ chồng hiếm muộn BVĐK Tâm Anh TP HCM, nếu test Covid-19 người chồng âm tính, người vợ dương tính thì chúng tôi vẫn tiến hành làm phôi. Nếu cả 2 vợ chồng đều dương tính với Covid-19 thì bác sĩ sẽ không làm phôi mà chỉ trữ trứng.

ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP HCM, tư vấn cho bệnh nhân điều trị vô sinh, hiếm muộn. Ảnh: IVFTA HCM
Trường hợp các cặp vợ chồng thực hiện kỹ thuật IVF, đến ngày chọc trứng nhưng vợ nhiễm Covid-19 sẽ được BVĐK Tâm Anh thiết lập phòng chọc trứng riêng biệt. Bệnh viện đầu tư đầy đủ trang thiết bị hiện đại hỗ trợ quá trình làm IVF cho các cặp vợ chồng hiếm muộn là F0; trang bị cả phương tiện dùng để vận chuyển trứng đảm bảo nhiệt độ từ chỗ chọc hút lên phòng lab.
Khi nhiễm Covid-19, thai phụ sẽ có triệu chứng khó thở, điều này sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, nếu đến ngày chuyển phôi nhưng người vợ mắc Covid-19 thì nên ngưng chuyển phôi, do chưa biết tình trạng bệnh diễn tiến nặng hay nhẹ. Việc này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến chi phí hay hiệu quả điều trị vì quá trình chuẩn bị nội mạc tử cung đơn giản và ít tốn kém, phôi vẫn đang trữ trong phòng lab. Nhiều trường hợp chúng tôi lên lịch trình đến lịch chuyển phôi nhưng người phụ nữ mệt trong người, ho hơi nhiều, test kết quả dương tính với Covid-19, trong khi đó phôi chưa rã đông nên chúng tôi trì hoãn sau khi khỏi bệnh mới tiến hành chuyển phôi vào buồng tử cung.
Về mặt nguyên tắc, nếu bệnh nhân F0 có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly, xét nghiệm âm tính, thì có thể chuyển phôi nhưng bác sĩ còn lo ngại vấn đề hậu Covid-19. Do đó để chuẩn bị tốt nhất cho sức khỏe, đề phòng hậu Covid-19, bạn nên đi khám, kiểm tra X-quang phổi, nếu sức khỏe tốt mới nên thực hiện chuyển phôi.
Đối với người chồng nhiễm Covid-19 nếu có điều trị bằng các loại thuốc kháng virus như molnupiravir thì phải đợi sau 3 tháng mới có thể tiến hành lấy tinh trùng vì đã có khuyến cáo nam giới trong độ tuổi sinh sản nếu dùng thuốc phải có biện pháp tránh thai phù hợp, có hiệu quả trong suốt quá trình điều trị và trong vòng 3 tháng sau khi sử dụng liều molnupiravir cuối cùng.
ThS.BS Giang Huỳnh Như
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP HCM