Có tiếng trẻ con khóc òa lên. Bà mẹ đay nghiến tiếp trong tiếng đập sách xuống bàn: "Học hành thế đấy, nói như nước đổ đầu vịt".
Cứ như vậy cho đến tận 23h30, tôi mới thấy yên ắng.
Sáng hôm sau, tôi ra đại lý gần nhà mua đồ. Cô bán hàng vừa đưa đồ cho tôi vừa ngoái cổ quát con: "Vào bàn ngồi học ngay". Đứa bé lấm lét, đờ người ra. Bà mẹ gào lên: "Mày không học hành tử tế tao đuổi ra khỏi nhà đấy, suốt ngày tót đi chơi". Thằng bé sợ hãi nhìn mẹ rồi lầm lũi đi vào.
Cách đây chục năm, khi đứa con lớn của tôi học lớp 1, tôi cũng từng ngồi kè kè bên cạnh quát nạt con phải học bài, nắn nót viết chữ đẹp và thỉnh thoảng phát vào tay con khi làm bài sai. Bây giờ mỗi khi nghĩ lại, tôi đều cảm thấy ân hận thấu tâm can.
Vậy nên, tôi đã thay đổi phương pháp với đứa thứ hai. Khi con học lớp 1-2, cô giáo thông báo rằng bạn ấy viết xấu gần nhất lớp, học hành mất tập trung và tính toán ẩu, cần phải rèn giũa vào khuôn khổ. Thậm chí, có hôm con rơm rớm nước mắt kể, cô quăng vở đi bắt viết lại và cho con đứng ngoài cửa lớp. Tôi ôm con vào lòng, nói chuyện rất lâu để giúp con lấy lại được sự tự tin và vui vẻ đến trường. Tôi cũng nói chuyện với cô giáo về mong muốn con phát triển theo năng lực tự nhiên và sở thích, coi trọng phẩm chất nhân cách chứ không nhất thiết phải vở sạch chữ đẹp hay làm trơn tru các bài toán văn với điểm 9-10, nếu như điều đó là cưỡng ép quá sức. Tôi hài lòng khi thấy con đi học vui vẻ, khoẻ mạnh, kể chuyện trường lớp, bạn bè, thầy cô một cách hứng thú.
Nhưng vừa mới sáng nay thôi, từ máy tính con tôi vọng ra một tràng gắt gỏng của cô giáo: "Lê M. đâu rồi, tại sao cô gọi mãi không trả lời, Lê M. đâuuuu... Còn Gia H. nữa, anh không tập trung vào bài học vì anh đang chát chít phải không, anh không học thì ra khỏi phòng cho tôi...". Cô giáo đang đánh vật với lũ học trò lớp 4 học online.
Tôi ban đầu có cảm giác trách móc thoáng qua, nhưng nghĩ kỹ lại, thấy cô giáo và những bậc phụ huynh cũng thật đáng thương. Chắc họ đang phải chịu những áp lực của cuộc sống và những kỳ vọng với con em, học sinh của mình. Nhưng tôi thương họ một phần thì thương các con mười phần. Các con là nạn nhân hứng chịu những áp lực và kỳ vọng của người lớn giáng xuống, bất kể ở nhà hay ở trường.
Tất nhiên, giáo dục không phải là chiều theo tất cả ý muốn của các con, càng không thể mặc kệ các con muốn làm gì cũng được. Giáo dục ai đó là giúp họ tìm ra điểm mạnh, phát huy sở trường của mình. Giáo dục là làm cho người học thấy được cái hay, cái đẹp của tri thức, là kích thích trí tò mò, khám phá.
Nhưng áp lực về thành tích và rất nhiều việc "không tên" khác có thể đã dần bào mòn sức lực, khiến nhiều giáo viên không còn thời gian và tâm trí để nhận ra cái đẹp của tri thức; chưa nói đến chuyện tìm cách để kích thích bọn trẻ khám phá. Tri thức tự thân nó luôn hay ho và đẹp đẽ. Nhưng làm thế nào để khiến người khác cũng cảm nhận như vậy? Đó là vấn đề thuộc về phương pháp giáo dục.
Thế giới không ngừng đổi mới. Nhưng giáo dục hiện tại đang rập khuôn theo những phương pháp cũ đã lỗi thời với mọi đứa trẻ. Tôi tin rằng, không có đứa trẻ nào "dốt" mọi thứ, chỉ có phương pháp chưa phù hợp mà thôi.
Con trai thứ hai của tôi rất khó tập trung ngồi luyện chữ hoặc tỉ mẩn tính toán từng con số. Con tự tin nhất khi "tụ tập" với đám bạn trong xóm để chơi bóng, chơi bi, chơi lego, chơi dàn trận đánh nhau (nhẹ nhàng). Khi đó, con tự tin sáng tạo các công cụ để trò chơi vui hơn, tự tin làm "lính" hoặc làm "thủ lĩnh" để thể hiện các ý tưởng. Buổi tối, lúc rảnh, tôi thường cùng con xem video về thế giới tự nhiên, động vật hoang dã. Chúng tôi cũng xem những kênh về trái đất, vũ trụ cho tới những cách chế biến các món ăn và bàn luận sôi nổi. Đó là lúc con hào hứng, tự tin nhất và tôi biết con học hỏi được rất nhiều.
Phương pháp của tôi chưa hẳn đã đúng và tốt với tất cả mà chỉ tốt với những ai phù hợp. Vậy nên mới cần có nghiên cứu về các loại phương pháp giáo dục phù hợp với từng lứa tuổi, thích ứng với nhu cầu của mỗi cá nhân.
Đầu tư mạnh tay cho giáo dục là việc không bao giờ nên chần chừ, bởi đó là chìa khoá để mở cánh cửa vào tương lai. Trong sự đầu tư đó, việc cần làm nhất hiện nay là nghiên cứu và áp dụng các phương pháp hiện đại, cởi mở và linh hoạt với từng nhóm học sinh khác nhau. Nhưng không nên chỉ trông chờ vào giáo viên, tại các gia đình, phụ huynh cũng cần thay đổi để hiểu và biết cách dạy dỗ nào mới hiệu quả cho con mình.
Áp đặt, quát mắng là phương pháp có thể mang lại tác dụng tức thì nhưng chưa bao giờ là phương pháp tốt đem đến hạnh phúc cho con trẻ và cả người lớn chúng ta.
Đỗ Hải