"Tôi là một trường hợp có bố mẹ EQ (trí tuệ cảm xúc) thấp. Anh trai tôi thích các môn tự nhiên, trong khi tôi thích học vẽ. Vì thế nên dù bản thân có cố gắng ra sao thì suốt 12 năm phổ thông, thành tích học tập của tôi cũng không thể bằng anh trai mình. Mặc dù tôi vẫn được học sinh giỏi và nhiều năm thuộc top 10 học sinh giỏi nhất của trường (có thời điểm tôi xếp hạng Nhất, Nhì) nhưng bố mẹ vẫn luôn không hài lòng. Họ luôn đem tôi ra so sánh với anh rồi nói tôi chỉ là 'đồ vô dụng'.
Tôi thích chơi thể thao cũng bị bố mẹ ngăn cấm. Nhiều lúc vì quá mê bóng rổ nên tôi phải trốn đi, để rồi tới mức sau đó bị bố mẹ chửi rủa. Cho đến bây giờ, khi đã hơn 30 tuổi, nhiều lúc tôi vẫn cảm thấy bố mẹ không xem trọng công việc của tôi. Bố mẹ luôn bắt tôi phải nghỉ đột xuất để làm những chuyện không đâu như đưa đồ cho người này, người kia, mặc dù đã có dịch vụ giao hành tận nơi, nhưng họ nhất quyết không chịu xài mà cứ bắt tôi phải tự tay làm.
Thời đi học, sau mỗi giờ học sáng mệt mỏi, tôi lại về nhà tranh thủ nghỉ trưa một chút để chiều đi làm thêm, nhưng cũng bị mẹ bắt dậy giúp việc vặt cho bà hàng xóm, mặc dù mẹ vẫn luôn nói xấu bà ấy. Lúc nhỏ, tôi luôn ao ước được bố mẹ thừa nhận sự cố gắng của mình, nhưng thay vào đó chỉ toàn là những sự so sánh khập khiễng.
Ở vào độ tuổi này, tôi gần như không còn muốn nói chuyện hay chia sẻ bất cứ điều gì với cả bố và mẹ. Mong rằng các bạn sắp làm cha mẹ, hãy lấy trường hợp của tôi mà rút kinh nghiệm, để tìm hiểu và quan tâm con mình nhiều hơn. Đôi khi chỉ cần một sự quan tâm nhỏ của cha mẹ thôi, không cần khen thưởng vật chất hay tiền bạc, con cái của chúng ta cũng thấy hạnh phúc và tự tin với bạn bè lắm rồi".
Đó là câu chuyện của độc giả Nguyen Hoang Kim về những người cha mẹ thiếu cảm xúc khi giáo dục con. Thực tế, với nhiều phụ huynh, "hội chứng khủng bố" không còn là điều xa lạ. Họ dễ dàng nổi cơ thịnh nộ khi còn cái không nghe lời hoặc không đạt được kỳ vọng đề ra, mà không biết rằng việc đánh, mắng sẽ chỉ khiến cho trẻ bướng bỉnh và khó bảo hơn.
Cũng ở vào hoàn cảnh tương tự, bạn đọc Mailen5895 chia sẻ câu chuyện: "Tôi tự nhận thấy bản thân mình chính là minh chứng rõ ràng nhất. Lúc còn nhỏ, tôi cố gắng chăm chỉ học hành, học bài mỗi ngày đến khuya. Ấy vậy mà, buổi trưa đi học về (khoảng 12h), vì rất mệt nên tôi lên ghế ngồi nghỉ một chút, mẹ tôi thấy vậy chỉ quát nạt: 'Tao đâu có bắt mày đi học, tự mày đi học mà còn kêu mệt cái gì? Mệt thì ở nhà, không cần phải đi học nữa'.
Nghe mẹ nói xong câu đó, bản thân tôi rất sốc. Và từ đó đến giờ, tôi hầu như không bao giờ kêu mệt hay tâm sự bất cứ điều gì với mẹ. Đến tận bây giờ, khi đã lớn, đã đi làm, nhiều lúc công việc cũng mệt mỏi, áp lực, nhưng mỗi khi mẹ gọi điện cho tôi cũng chỉ hỏi 'khi nào gửi tiền về?'. Tôi nói: 'Con hôm nay đi làm thấy rất mệt, ngày mai sẽ gửi về sau'. Nghe vậy, mẹ lại nổi đóa: 'Tao đâu có bắt mày đi làm'. Nhiều lúc tôi thấy thật buồn, vì đã lớn nhưng tình cảm mẹ con cứ nhạt dần theo thời gian".
>> Khi cha mẹ Việt ép con học ngành kiếm ra tiền
Nói về những lời đay nghiến của mẹ trong quá khứ, độc giả Thanhhoatnvn bày tỏ: "Tôi cũng là một người bị ảnh hưởng từ những lời trách móc, chì chiết của mẹ. Khi tôi còn học cấp hai, bị ốm và rất mệt, nhưng mẹ chỉ gắt lên: 'Lớn rồi tự mua thuốc mà uống'. Còn bố tôi thì gần như không bao giờ quan tâm đến con cái. Giờ đây, thậm chí, khi đã có con, nhưng tôi vẫn không thể tâm sự bất kỳ điều gì với cha mẹ. Đôi khi họ trách tôi không nói, nhưng nguyên nhân là từ hành vi của họ đối với con cái khi nhỏ. Tất cả đã tạo thành bức tường vô hình giữa bố mẹ và con cái. Cần thiết phải có sự chia sẻ công việc nhà và nuôi dạy con cái giữa cả bố và mẹ. Càng bớt la mắng, trách móc, đòn roi với con cái, sẽ càng tốt cho con sau này".
Khẳng định thói quen sai lầm giáo dục thiếu cảm xúc của nhiều bậc cha mẹ ngày nay, bạn đọc Lê Bạch Yến nhấn mạnh: "Rất nhiều bậc cha mẹ có cách ứng xử kỳ lạ với con cái. Họ thích áp đặt, so sánh, tự cho mình quyền muốn nói gì thì nói. Chúng ta sinh con ra thì nên tạo cho con có cơ hội tiếp xúc, học hỏi để chúng được phát triển toàn diện về học vấn, về tư duy và sau đó hãy để các con được tự phát huy thế mạnh. Đừng ứng xử tùy tiện với con để khiến mối quan hệ cha mẹ và con cái càng lúc càng nhạt.
Dù giàu hay nghèo thì chúng ta cũng nên dùng hết tình thương và khả năng cho con cái, đừng lấy lý do những vất vả đời thường để nói những lời khiến con cái bị tổn thương. Ngày nhỏ, tôi cũng là một đứa trẻ có cha mẹ là những người có tri thức, tôi áp lực vì họ quá giỏi và nhiều lúc cha mẹ kỳ vọng ở tôi quá nhiều. Chẳng hạn như, mẹ luôn muốn tôi phải là đứa trẻ đứng đầu lớp, thậm chí đứng đầu khối, nên họ không hề quan tâm tôi học thế nào?
Có khi tôi gặp khó khăn trong học tập hay sai sót gì đó, mẹ sẽ lập tức phàn nàn: 'Mày mà cũng học tệ vậy sao?'. Những câu nói đó vô tình khiến tôi bị tổn thương và mất phương hướng. Càng lúc, tôi càng khó trò chuyện hay chia sẻ những khó khăn gặp phải với mẹ.
Giờ tôi cũng đã làm mẹ, tự nhủ mình phải sống khác mẹ ngày xưa, nên tôi đã đưa các con đến ngưỡng trưởng thành. Các con tôi nhờ vậy cũng mạnh mẽ, cứng cáp, giỏi giang, phát triển tốt hơn tôi ngày xưa rất nhiều".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.