Tôi năm nay đã ở tuổi U70. Các con tôi, ngay từ ngày đầu tiên cắp sách đến trường cho đến khi vào được đại học, chưa bao giờ điểm tổng kết các môn học được trên 8 điểm. Thậm chí, hôm nào con được 9 điểm là tôi còn nghi ngờ. Ấy mà các con vẫn thi đậu lớp chọn, trường chuyên bình thường. Cấp một, hai, con là lớp phó học tập. Thi đại học, con được xấp xỉ 30 điểm tối đa. Tốt nghiệp đại học, con cũng được loại giỏi. Đến giờ, con có công việc tốt.
Nhớ lại hồi đi họp phụ huynh cho con. Tôi từng nói với cô giáo rằng "đừng chấm cho con tôi điểm 9, 10". Với tôi, điểm số không quan trọng. Cái chính là con có hiểu bản chất của bài học không? Thế nên các con tôi cũng không cần phải tự gây áp lực lên bản thân vì điểm số như vậy. Học xong rồi, con có thể đọc chuyện, nghe nhạc, học thêm nhạc cụ... tất cả đều rất tốt.
Tôi đã có ý kiến rất nhiều trên VnExpress rằng, thành đạt của người bố, người mẹ chính là hạnh phúc của các con. Chỉ cần con trở thành người tử tế, ngoan ngoãn, khỏe mạnh, chăm chỉ, tự nuôi được bản thân là cha mẹ đạt được mục đích. Mà muốn uốn nắn con thì phải làm từ nhỏ. Cũng như uốn cây tre non, chứ để cây già rồi thì nắn sao được? Suy nghĩ như vậy nên vợ chồng tôi ưu tiên dạy dỗ con và bước đầu có kết quả khi các con tôi nay đều có thể tự nuôi bản thân, không sợ thất nghiệp.
>> 'Tôi không bắt con phải sống lại những ngày nghèo khổ'
Ai cũng biết, kiến thức nhân loại là vô cùng. Càng lên cao, càng thu hẹp lại, nnhư Kim tự tháp Ai Cập. Như thế, muốn có kiến thức cao, thì phải có đế rộng, vững chắc. Muốn tiếp thu kiến thức ở bậc đại học nhanh, giỏi, thì bản thân người học phải có kiến thức thật từ khi con trẻ mới bi bô học nói. Từ cấp tiểu học trở lên, cha mẹ phải cho con học trung thực, không giấu dốt, không xin điểm. Đồng thời, không bạo hành trẻ em về thể chất và tinh thần.
Khi vào đại học, gia đình chỉ nên định hướng, không áp đặt con phải học ngành gì? Vào đại học rồi, cha mẹ phải chuẩn bị tài chính tốt cho con học. Nếu có sẵn thì tốt, còn chưa đủ thì phải tiếp tục "cày cuốc" để đủ tài chính, con không phải làm thêm. Thời gian rảnh, con có thể vào phòng thí nghiệm, thư viện, tập thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, đi tình nguyện, du lịch, hoặc tìm đến cơ sở có ngành học của mình, để học nghề, tham gia hội thảo... Như vậy, phải đủ tiền cho con không phải làm thêm là tốt nhất.
Nhờ phương pháp nuôi dạy như vậy mà tất cả các con tôi đều có kết quả tạm ổn như hôm nay: lương đủ sống, không lo thất nghiệp, sẵn sàng nhảy việc bất cứ lúc nào.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.