Vết rạn da là những vết nhỏ, có màu sắc khác nhau, phát triển trên da sau khi bị kéo căng. Chúng thường xuất hiện khi dậy thì, tăng cân nhanh hoặc mang thai. Một số tình trạng sức khỏe như hội chứng Cushing và hội chứng Ehlers-Danlos cũng có thể làm tăng nguy cơ rạn da. Phụ nữ dễ bị rạn da ở ngực, trong khi nam giới có thể rạn da ở lưng dưới, phần trên cánh tay.
Vết rạn có thể mờ dần theo thời gian nhưng chúng thường không biến mất hoàn toàn. Các phương pháp điều trị như chiếu laser, peel da, điện di... có khả năng làm mờ vết rạn bằng cách dưỡng ẩm da, thúc đẩy quá trình chữa lành và làm đều màu. Một số dưỡng chất tự nhiên dưới đây cũng giúp làm mờ rạn, nhất là điều trị ngay sau khi chúng phát triển.
Vitamin A
Vitamin A (retinol) có thể là liệu pháp tại chỗ cho vết rạn da ở giai đoạn đầu (giai đoạn viêm). Nó hoạt động bằng cách thúc đẩy tốc độ thay đổi tế bào da và sản xuất collagen.
Vitamin A có trong thực phẩm tự nhiên và các sản phẩm bôi ngoài da không kê đơn để điều trị vết rạn da. Các chuyên gia khuyên dùng sản phẩm kết hợp vitamin C và axit alpha hydroxy (AHA). Phụ nữ đang mang thai không nên sử dụng retinol để tránh rủi ro cho thai nhi.
Vitamin C
Vitamin C đóng vai trò trong quá trình phát triển collagen nên nó cũng hỗ trợ điều trị vết rạn da. Vitamin C có trong rau quả. Trong sản phẩm bôi ngoài da không kê đơn, vitamin C có thể được kết hợp với AHA như axit glycolic và axit lactic, thúc đẩy quá trình tẩy tế bào chết cho da.
Axit hyaluronic
Hợp chất này có trong da, mô liên kết, khớp và mắt. Nghiên cứu chỉ ra các sản phẩm chứa axit hyaluronic có thể ngăn ngừa hình thành vết rạn. Có thể thoa axit hyaluronic ngay khi vết rạn xuất hiện hoặc thoa vào những vùng dễ bị rạn.
Lô hội
Lô hội là phương pháp tự nhiên giúp giảm vết bỏng, hỗ trợ điều trị vết thương và phản ứng dị ứng. Các đặc tính chữa lành da của loài cây này cũng giúp ích. Một số nghiên cứu cho thấy thoa thành phần lá lô hội lên da không chỉ làm dịu và dưỡng ẩm mà còn góp phần phục hồi da, ngăn ngừa và làm mờ vết rạn.
Dầu dừa
Dầu dừa hỗ trợ hàng rào bảo vệ tự nhiên của da, giảm nhiễm trùng và cải thiện khô da, vết thương trên da. Không có nhiều bằng chứng về hiệu quả của dầu dừa trong hỗ trợ điều trị vết rạn da, nhưng sử dụng nó để massage các vùng da dễ rạn có thể cải thiện tông màu da tổng thể. Từ đó các vết rạn da có thể mờ nhanh hơn.
Khi mới xuất hiện, vết rạn thường có màu đỏ, nâu hoặc các màu sẫm khác. Đây là thời điểm dễ điều trị nhất, trước khi chúng mờ dần và nhạt màu hơn theo thời gian. Chuyên gia khuyến cáo nên sớm dùng sản phẩm không kê đơn hoặc dưỡng chất tự nhiên để cải thiện làn da. Các vết rạn cũ ít có khả năng đáp ứng điều trị. Massage để sản phẩm có thời gian ngấm vào da và phát huy tác dụng. Thoa đều đặn sản phẩm hằng ngày bởi có thể mất nhiều tuần mới có kết quả.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |