Học đại học để nâng cao kiến thức? Điều đó có thể đúng trong thời kỳ trước, nhưng ngày nay thì không hẳn. Học đại học cơ bản là học nghề một cách có hệ thống nhằm giúp cho người học nâng cao về mặt ý thức hơn là kiến thức. Tức là, khi bạn đưa ra quyết định sẽ tiến hành một hành vi nào đó, bạn sẽ biết quyết định đó là đúng hay sai về mặt đạo đức và pháp luật, mặc dù bạn không biết luật pháp có quy định hạn chế hành vi đó không và hạn chế đến đâu?
Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng đúng là như vậy, vì khi ta học làm gì đó ở trường, người ta luôn dạy chúng ta phải làm việc theo nguyên tắc. Nguyên tắc chính là cái khung giới hạn hành vi đó mà chưa cần đến quy định của luật pháp. Bởi vì học một cách có hệ thống nên bạn dễ dàng suy luận, lý giải được những sự việc xảy ra trong xã hội mà không cần phải "tai nghe, mắt thấy".
Tranh cãi trên mặt báo cho thấy chúng ta có bao nhiêu người đã học qua đại học? Người không học đại học có tầm nhìn rất ngắn và hạn hẹp. Học đại học không liên quan gì đến sự thành đạt cả. Thành đạt hay không do bạn có nắm bắt được cơ hội làm giàu hay không?
Nhiều người tranh cãi về việc Bill Gates không học đại học mà vẫn làm giàu. Vậy, tôi xin kể câu chuyện của vị tỷ phú này. Vào lúc Bill Gates đang học đại học thì Apple đã là một hãng công nghệ lớn với phần mềm hệ điều hành Mac Macintosh rất nổi tiếng ở Mỹ. Tuy nhiên, người sáng lập Apple là Steve Jobs không muốn hệ điều hành này được triển khai bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Trong khi đó, hãng IBM là hãng sản xuất máy tính để bàn lớn nhất tại Mỹ lúc đó lại muốn bán hàng trên toàn cầu. Do không được sự đồng ý của Steve Jobs, hãng này buộc phải tìm đối tác khác với hệ điều hành khác.
Cùng lúc đó, một kỹ sư ở Apple sáng tạo ra hệ điều hành DOS. So với Mac Macintosh đã trải qua nhiều lần chỉnh sửa thì DOS chẳng khác gì một đứa trẻ mới tập đi. Ông kỹ sư này đang tìm người mua. Bill Gates đã mua lại DOS và bỏ học cùng với một người bạn để sáng lập ra công ty Microsoft, phát triển hệ điều hành này dưới sự tài trợ của IBM.
Nếu Steve Jobs không bảo thủ thì Bill Gates có cơ hội bỏ học để làm giàu? Xin thưa, sẽ không có ông tỷ phú này và không có cả Microsoft. Đó chính là cơ hội. Lẽ tất nhiên Bill Gates và bạn của ông phải là những người am hiểu về phần mềm hệ điều hành thì mới nắm được cơ hội như vậy. Nếu là bạn, bạn có dám bỏ học để nắm lấy cơ hội ấy không?
Nên nhớ rằng, khi Gates bỏ học lập công ty, ý muốn ban đầu của ông không phải là kinh doanh làm giàu mà là muốn mọi người trên thế giới (bên ngoài lãnh thổ Mỹ) có máy tính để dùng. Tương tự với mạng xã hội Facebook của Mac Zukerberg. Ý định của Mac là giúp người ta có thể giao lưu kết bạn tự do trên mạng internet. Sau đó, do số lượng người dùng ngày càng đông đảo, các công ty mới để ý đến chuyện quảng cáo và thu thập thông tin thói quen người tiêu dùng qua mạng xã hội. Từ đó, Facebook mới có giá trị hàng tỷ đô chứ trước đó nó hoạt động hoàn toàn miễn phí. Nếu là bạn, bạn có dám làm cái gì miễn phí cho người khác không hay là tính toán thu lợi nhuận ngay từ đầu?
Cả Bill Gates và Mac Zukerberg trở thành tỷ phú là do may mắn nhờ cái tâm trong sáng "giúp người là giúp mình" của họ. Khi công ty lớn mạnh với hàng trăm hàng nghìn nhân viên, ông chủ cũng phải cắp cặp đi học đại học. Không có kiến thức làm sao quản lý nổi công ty to như thế? Tức là, cái sự bỏ học của họ chỉ là tạm thời, là "hoãn học" chứ không phải là "bỏ học".
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Mua cổ phiếu theo đám đông - 'thắng bạc cắc, thua cụt vốn'
>> Cơn đau đầu của người cho thuê nhà
Có bạn cho rằng đại học ngày nay tuyển sinh đại trà không chú ý đến chất lượng. Nhưng quyền được học có ghi trong Hiến pháp. Ở Mỹ, các ngành khoa học thuộc về xã hội nhân văn không có tuyển sinh đầu vào. Chỉ có khoa học tự nhiên mới có tuyển sinh vì đào tạo những ngành này chi phí rất nặng do phải trang bị phòng thí nghiệm hóa sinh hoặc xưởng thực nghiệm kỹ thuật cơ khí máy móc. Những người không theo nổi các ngành tự nhiên phần lớn do hạn chế về tài chính (không đủ tiền để đóng học phí). Còn bạn đã tốt nghiệp phổ thông trung học thì chắc chắn là tiếp thu được trình độ học cao hơn.
Học giỏi hay dở lại là chuyện khác. Người ta học dở nhưng họ muốn học thì bạn có lý do gì để ngắn không cho người ta học? Tương tự, chẳng ai tuyển nghiên cứu sinh thạc sĩ hay tiến sĩ cả. Nếu bạn có bằng cử nhân và muốn học lên, bạn chỉ việc đăng ký. Học là một chuyện, có tốt nghiệp lấy bằng được hay không là chuyện khác. 70% lao động Mỹ tốt nghiệp đại học, chẳng lẽ tất cả đều là "thủ khoa" hoặc có điểm cao đụng trần như ở Việt Nam?
Như trên đã nói, phổ cập đại học là để nâng cao ý thức hơn là nâng cao kiến thức. Người không học đại học cũng có ý thức nhưng cái ý thức ấy hình thành rất chậm do phải tích lũy kinh nghiệm sống. Người có học đại học có ý thức ngay là do kiến thức đại học của anh ta đứng trên nền tảng kiến thức của nhiều thế hệ chắt lọc ra tạo thành chương trình học. Cái ý thức ấy không phải là ý thức riêng của anh ta mà thuần túy là bắt chước và tuân thủ, sau đó trải qua kinh nghiệm sống (ngắn hơn rất nhiều so với người không học đại học) mà hình thành ý thức riêng.
Bởi vậy, Mỹ và phương Tây mới phổ cập đại học còn ta đến nay vẫn có người nghĩ, học đại học nhất định phải là người "tinh hoa". Hòa nhập với thế giới thì hãy nhanh bỏ đi những tư duy lạc hậu như vậy.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.