Đồng cảm với câu chuyện "Tôi bỏ bằng kỹ sư, đi làm bồi bàn", độc giả Linh chia sẻ trải nghiệm của chính bản thân mình: "Sau khi học xong đại học, tôi mất thêm bốn năm học Thạc sĩ, làm đủ thứ công việc từ tay chân đến bàn giấy ở một đất nước xa lạ để tìm kiếm con đường dành cho mình. Bây giờ, về Việt Nam, tôi bắt đầu lại từ đầu, nhưng may mắn tìm được công việc mình thích với thu nhập không tệ và cảm thấy mình đang đi đúng hướng".
Nói về thực trạng khó tìm kiếm việc làm của nhiều sinh viên sau khi ra trường, bạn đọc Thanh Hà cho biết:
"Trước đây, tôi chỉ có bằng trung cấp, nhưng công việc cuối cùng tôi làm trước khi tách làm riêng lại là vị trí kỹ sư. Tôi có hai năm làm thợ quèn cho tư nhân khi đang học trung cấp; một năm làm thợ trong công ty nhỏ sau khi có bằng trung cấp; hai công ty tiếp theo tôi làm ở vị trí tương đương các kỹ sư dù vẫn chỉ có bằng trung cấp. Nhưng điều quan trọng hơn là tôi có bốn năm đại học ngành khác, nên dù học trình độ 'thợ' nhưng tôi vẫn đủ tư duy 'thầy'. Người ta đào tạo một chuyện, các bạn tiếp thu đến đâu là chuyện khác.
Như tôi, học ngành khác nhưng tư duy được trau dồi từ ngành đó vẫn dư sức phục vụ cho ngành mình đam mê. Dù học trung cấp nhưng tôi vẫn có thể hiểu và thực hiện các dự án, phối hợp cùng các đồng nghiệp mà không ai biết tôi chỉ có bằng trung cấp (trừ sếp). Tất nhiên, tôi cũng cần có một chút cố gắng, nghiêm túc tận tâm với việc mình đang làm. Nếu nói đại học Việt Nam khiến 'thừa thầy, thiếu thợ', vậy sao họ còn tuyển một anh trung cấp vào làm vị trí kỹ sư? Lương của tôi cũng như người khác cùng vị trí nên không phải vì họ tiết kiệm tiền. Thế nên, nếu có thể, hãy đi học đại học, còn nếu học xong vẫn không kiếm được việc là do chính các bạn mà thôi".
>> Tôi bỏ Đại học hai năm để định hướng lại tương lai
Nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của người học trong việc quyết định cơ hội nghề nghiệp tốt trong tương lai, độc giả Tonynguyengsos cho rằng:
"Ngoài các kiến thức khác đã được học, bậc đại học sẽ trang bị cho bạn các kiến thức: quản trị thời gian, tiến độ công việc, tổ chức thực hiện công việc, tối ưu hóa dự án, đàm phán và thương lượng... đây là tiền đề, điểm tựa để bạn tự tin làm việc trong hiện tại và tương lai. Còn làm việc gì tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh thực tế. Thông thường, bất kỳ một kỹ sư nào cũng sẽ trở thành người quản lý kỹ thuật hoặc quản lý kinh doanh sau một thời gian công tác.
Việc học là không ngừng cho dù bạn ở bất kỳ vị trí công tác hay lĩnh vực nào, nhằm đảm bảo bạn đã hoạch định đúng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Người nắm chắc vấn đề đã, đang và sẽ nghiên cứu luôn giữ được cơ hội nghề nghiệp tốt. Học đại học chỉ là điều kiện cần cho sự khởi đầu, biết ứng dụng kiến thức thành công vào đời sống là một nghệ thuật sống trong cả cuộc đời của chúng ta".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.