Việt Nam có 4 lợi thế thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực và con người, song vẫn loay hoay chọn sản phẩm mạnh nhất để phát triển, quảng bá. Chính điều này đặt ra thách thức cho ngành du lịch khi mở cửa trở lại từ 15/3, bên cạnh những điều kiện thuận lợi về đi lại, kiểm soát dịch bệnh.
"Chúng ta chưa làm thỏa mãn du khách, dù sở hữu những giải thưởng lớn về du lịch sang trọng, các khu nghỉ tầm cỡ quốc tế, các thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới. Khi đó nhìn sang Thái Lan, cứ nhắc đến họ là nhớ Muay Thái, những ngôi chùa vàng, điệu múa truyền thống, ngôn ngữ, ẩm thực riêng", ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, cho hay.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hàng chục di sản được UNESCO công nhận, ngoài ra là hơn 40.000 thắng cảnh, trong đó hơn 3.000 di tích cấp quốc gia, 5.000 di tích cấp tỉnh. Trong năm 2019-2020, Việt Nam được vinh danh "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới", bởi Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA). Theo ông Hà, đây là những dẫn chứng cho thấy nước ta có thể định vị thương hiệu và phát triển các sản phẩm du lịch liên quan di sản.
"Di sản là tài nguyên quý giá, có sức hấp dẫn du khách quốc tế và trong nước, để nhắc tới Việt Nam là nghĩ ngay đến di sản", ông Hà nói. Đặc biệt sau Covid-19, để thu hút khách chi trả cao thì du lịch di sản càng phù hợp vì khả năng kết nối với loại hình nghỉ dưỡng cao cấp, golf, chăm sóc sức khỏe...
Trong buổi thông tin về phương án mở cửa du lịch quốc tế, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Nguyễn Trùng Khánh, cũng nói: "Chất lượng sản phẩm là vấn đề cốt lõi để tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam, chứ không chỉ giảm giá". Vì vậy theo ông Khánh thời gian tới, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phải chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đặc biệt xây dựng những sản phẩm mới để thu hút du khách.
Ông Đoàn Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Nghiên cứu và tư vấn phát triển điểm đến du lịch Outbox, thì cho hay điều mang tính chiến lược, đòi hỏi tính chuyên môn cao đấy là du lịch Việt Nam cần một định vị thương hiệu và từ đó tìm ra được những sản phẩm phù hợp. Các cơ quan quản lý du lịch Việt Nam cần có sự đầu tư và có quản lý chuyên nghiệp hơn đối với công tác truyền thông thương hiệu.
"Mỗi quốc gia có một đặc trưng, thế mạnh và sức hấp dẫn riêng đối với du khách. Để thương hiệu nổi bật, tôi tin rằng điều du lịch Việt Nam cần học các quốc gia khác, hay như trong nội địa là Đà Nẵng, đồng thời phải quan tâm đầu tư nghiêm túc, đúng mực", ông Phước nói.
Việc tạo một thương hiệu du lịch Việt Nam đang dừng lại ở bề mặt là logo và slogan. Việt Nam thường không tập trung cho một số sản phẩm hay thị trường nhất định mà ôm đồm nhiều thứ. Điều này làm cho giá trị của du lịch Việt Nam khá mờ nhạt và thiếu hấp dẫn.
"Phải thẳng thắn rằng Việt Nam chưa bao giờ có được một thương hiệu du lịch rõ ràng, tập trung và có tính chiến lược, như cách mà các điểm đến tầm quốc gia khác trong khu vực đã và đang làm", ông Phước nói thêm.
Điều quan trọng nữa là đẩy mạnh truyền thông để tác động tới nhận thức du khách, trong đó có các kênh truyền thông quốc tế như CNN, BBC... Theo ông Hà, để phát triển được sản phẩm từ di sản thì không thể thiếu truyền thông, xúc tiến. Một ví dụ là Discover Thainess, chiến dịch quảng bá của Thái Lan về lối sống và văn hóa, trong đó có cuộc thi "One and Only" để du khách trải nghiệm nói tiếng Thái, làm vòng hoa, tập Muay Thái...
"Thị trường đang thay đổi hàng ngày, chúng ta sẽ phải sẵn sàng với các yêu cầu mới từ du khách, về truyền thông, sản phẩm và chất lượng dịch vụ. Không thể chỉ trông chờ vào tiềm năng sẵn có của đất nước. Chỉ khi giải quyết được các tử huyệt nội tại của ngành, du lịch Việt Nam mới đi được những bước dài sau mở cửa", ông Phước kết luận.
Lan Hương