"Chặt chém" dịp lễ, Tết từ lâu đã trở thành một điều quen thuộc với người Việt, đến mức chúng ta xem chuyện hàng hóa, dịch vụ tăng cao mỗi dịp nghỉ lễ là chuyện bình thường và thỏa hiệp với người kinh doanh. Gia đình tôi lại có quan điểm hoàn toàn khác. Cứ mỗi dịp lễ, Tết, đại gia đình tôi lại tập trung ăn uống, tán ngẫu, hát karaoke ở nhà, hoặc thăm chúc họ hàng thay vì đi ra ngoài chơi bời, ăn uống tốn kém.
Ở đây, gần hay xa tôi không đề cập, mà chỉ nói tới việc bản thân đã thấm thía với việc đi du lịch trong nước các dịp lễ, Tết thời gian trước, chứng kiến mọi thứ hàng hóa, dịch vụ đều tăng giá chóng mặt. Đương nhiên, chúng tôi cũng bị "chặt chém", trả nhiều tiền nhưng thái độ phục vụ kém, chất lượng bữa ăn không bằng những ngày thường, dù cùng một khách sạn hay nhà hàng đó.
Nói một cách thẳng thắn, đó giống như là đi hành xác chứ không phải du lịch. Kể từ đó, chúng tôi luôn chọn đi du lịch trong nước vào các dịp ngày thường, vắng khách, để được phục vụ tốt hơn và tiết kiệm một khoản tiền không hề nhỏ (người đi làm công ăn lương có thể dùng phép năm). Còn nếu có muốn du lịch vào các ngày nghỉ lễ dài, chúng tôi chọn đi Thái Lan, Malaysia, Singapore... - những nơi có giả cả ổn định thay vì đi trong nước.
Ưu tiên của tôi là du lịch Thái Lan, vì có chi phí rẻ, đồ ăn uống ngon, giá cả bình dân, thực phẩm phong phú, mua sắm cũng thoải mái vì giá cả ở đây phù hợp với số đông người Việt, mẫu mã lại vô cùng đa dạng. Sau nhiều lần đi du lịch nội địa ngày lễ, Tết, chịu giá cả tăng cao, nạn "chặt chém" vô tội vạ, đại gia đình tôi đã không còn muốn nghĩ đến các tour nội địa nữa.
>> Tôi không chấp nhận bát phở tăng giá 20.000 đồng vì lễ, Tết
Đáng nói, vấn nạn "chặt chém" này đã được báo chí đề cập rất nhiều năm rồi, nhưng tới hôm nay cũng vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực. Xin đừng lấy lý do rằng giá nguyên vật liệu, thuê nhân công ngày lễ, Tết tăng cao nên hàng hóa, dịch vụ cũng phải tăng để bù chi phí. Đó là chỉ là lời bao biện cho cách làm thời vụ, tận thu du khách.
Ví dụ như ngày Black Friday tại Mỹ, sức mua của người dân cực "khủng" bởi hàng hóa thực sự giảm giá rất mạnh, chứ không phải tăng giá lên trước rồi mới giảm để lừa người tiêu dùng. Ở ta, nhiều nơi tăng giá sản phẩm lên 30% ngày khuyến mại rồi sau đó lại quảng cáo giảm giá khủng 35%, thực tế chỉ giảm có 5%.
Mùa giảm giá ở Mỹ kích thích mua sắm tăng đột biến nhờ sự minh bạch trong kinh doanh. Ví dụ đôi giày ngày thường có giá 240 USD thì ngày này chỉ còn 60 USD, đầu máy xem phim giá bình thường 120 USD, thì nay giảm còn 25 USD... Thế nên, khách vào siêu thị mua phải chạy nhanh tới chỗ bán hàng mình cần, nhanh tay bỏ vào xe hàng của mình mới kịp mua trước khi hết. Khuyến mãi giảm giá mạnh là như vậy đó.
Liệu đến khi nào một số người bán mới thay đổi tư duy kinh doanh, làm dịch vụ một cách bền vững, tôn trọng quyền lợi người tiêu dùng? Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất nhưng ngừng tăng giá hàng hóa, dịch vụ ngày lễ, Tết một cách vô tội vạ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.