Hàng quán tăng giá ngày nghỉ lễ, theo tôi là do quản lý không chặt nên mới thành ra như vậy. Việc không được kiểm soát giá cả khiến người kinh doanh cứ mặc sức tăng giá vì những lý do khác nhau, lâu dần thành một thói quen "cứ đến kỳ nghỉ lễ là tăng giá".
Điều này hoàn toàn trái ngược với các nước láng giếng của chúng ta ngay trong khu vực Đông Nam Á. Đi du lịch các nước này, tôi thấy dù ngày lễ hoặc Tết, người kinh doanh tại đây cũng đều giữ nguyên chỉ một mức giá duy nhất. Nếu có tăng chỉ đâu đó 3-5% giá ngày thường do phí dịch vụ tăng, mà cũng chỉ một vài nơi làm vậy.
Trong khi đó, khi đi du lịch một số nơi trong nước, tôi thấy hàng quán cứ trực chờ tăng giá gấp đôi, gấp ba lần vào những ngày nghỉ dài.
>> Thỏa hiệp hay cạch mặt hàng quán tăng giá ngày nghỉ lễ?
Nhiều người biện minh là kinh tế thị trường quyết định giá cả, nhưng cũng nên đứng trên nhiều góc độ để nhìn nhận và đánh giá. Về mặt kinh doanh thì ai trong cũng đều hiểu rằng phải tích trữ hàng từ trước các ngày lễ và Tết để đảm bảo đủ nguồn hàng để cung ứng ra thị trường, tránh ảnh hưởng về mặt giá cả đầu vào. Đó cũng là một hình thức để cạnh tranh trên thị trường.
Còn đứng về phía người tiêu dùng, tất nhiên ai cũng hiểu chuyện hàng hóa, dịch vụ tăng giá những ngày lễ, Tết là điều không tránh khỏi, nhưng cũng không thể vượt quá mức cho phép. Nếu tăng hơn chẳng khác nào là "chặt chém". Đơn cử như một bát phở ngày thường được bán với giá 40-50 nghìn đồng thì không thể chỉ trong một vài ngày nghỉ lễ lại nhảy lên giá 60-70 nghìn đồng được. Đó gọi là tăng giá phi mã, không thể chấp nhận được.
Nếu làm kinh doanh theo kiểu thời vụ như vậy, chẳng những không thể lấy được lòng tin nơi khác hàng mà không khéo còn làm chậm lại cả kinh tế và khiến du lịch nước nhà tụt lùi lại so với các nước trong khu vực có thế mạnh về du lịch như Thái Lan, Malaysia, Singapore... chứ chưa nói đến các nước ngoài khu vực Đông Nam Á.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.