Theo khảo sát sáng 18/1 (27 Âm lịch), các cửa hàng rửa xe máy, ôtô tại nhiều khu vực như Cầu Giấy, Tây Hồ, Nam Từ Liêm... đã tăng mạnh. Giá rửa xe 4 chỗ dao động 100.000-120.000 đồng, xe 7 chỗ 130.000-150.000 đồng, xe máy cao nhất 50.000 đồng. Các cửa hàng đều niêm yết công khai mức giá những ngày cao điểm này hoặc thông báo cho khách hàng ngay khi đưa xe vào cửa hàng.
Dù các cửa hàng công khai tăng giá gấp đôi ngày thường nhưng tình trạng quá tải vẫn diễn ra. Phần đông người dân đều ngầm chấp nhận giá mới, công thêm việc phải xếp hàng chờ đến lượt để được phục vụ vì ngày cận Tết. Chuyện tăng giá sản phẩm, dịch vụ ngày Tết đã không còn quá xa lạ ở nước ta. Vấn đề là nhiều người Việt vẫn xem đó là chuyện bình thường thay vì đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình.
Nhà tôi kiên quyết không thỏa hiệp với tình trạng "chặt chém" ngày Tết. Thế nên, thay vì bỏ tới vài trăm nghìn đồng ra tiệm rửa xe xếp hàng chờ tới lượt, tôi mua luôn cái máy rửa xe giá 1,4 triệu đồng, đầu tư một lần mà dùng được nhiều năm. Vậy là tôi thảnh thơi rửa cả xế hộp và bốn, năm chiếc xe máy của gia đình sạch bóng mà chẳng phải đi đâu xa. Giờ các cửa hàng có kiếm cớ nâng giá rửa xe lên tiền triệu mỗi chiếc, thì gia đình tôi cũng không quan tâm.
Không chỉ chuyện rửa xe, một thứ khác cũng trực chờ tăng giá mấy ngày này là thực phẩm. Nhưng chúng tôi cũng chẳng phải bận tâm nhiều, giá đắt thì ăn uống hạn chế lại, bớt bày vẽ thừa mứa, tốn kém đi là xong. Ngày Tết tán gẫu cùng họ hàng, bạn bè bên ly trà, ít bánh mứt là được, cần gì cỗ bàn, rượu chè linh đình. Tôi thà để dành tiền đó ra Tết đi du lịch nước ngoài còn hơn. Nhiều khi giá đồ ăn, thức uống tại nước ngoài còn bình dân, và ngon - bổ - rẻ hơn đồ mua trong nước mấy ngày Tết.
>> Rửa xe đắt gấp bốn lần ngày cận Tết
Anh chị em ruột của tôi định cư nhiều năm cũng ít khi về Tết. Những ngày lễ Tết ở nước ngoài, người ta đua nhau giảm giá hầu như mọi dịch vụ, sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm... để mọi người cùng vui lễ Tết và kích cầu kinh tế.
Một điển hình rất thực tế và nổi tiếng đó là để kích cầu mùa Giáng sinh và năm mới, người Mỹ tổ chức ngày Black Friday - ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm. Vào ngày này, hàng hóa đều được giảm sâu (giảm thực chất chứ không phải dùng chiêu tăng giá trước đó lên 20-30% so với ngày thường rồi sau đó mới giảm giá như ở ta).
Cá nhân tôi luôn ủng hộ cả hai tay quan điểm của anh chị em mình. Tự ý tăng giá sản phẩm, dịch vụ ngày lễ Tết không thể coi là chính đáng dù vì bất cứ lý do gì. Quyền lợi của người tiêu dùng luôn phải được tôn trọng. Và nếu người Việt nào cũng ý thức được điều đó, thì có lẽ sẽ chẳng còn mấy câu cửa miệng của người bán hàng kiểu như: "Tết mà, giá tăng là chuyện đương nhiên'."
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.