Cơ tim chu sinh (một thể của bệnh cơ tim giãn nở) là bệnh lý cơ tim ít gặp làm suy yếu chức năng co bóp của tim, thường xảy ra vào những tháng cuối thai kỳ và 5 tháng sau sinh. Tâm thất trái có nhiệm vụ bơm máu giàu oxy đi khắp cơ thể. Ở người khỏe mạnh, phân suất tống máu thất trái (LVEF) 50-70%. Ở bệnh nhân suy tim do bệnh cơ tim chu sinh như chị Nhi, LVEF giảm dưới 50%. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh bao gồm thay đổi hormone trong quá trình mang thai, viêm cơ tim do virus, đột biến gene. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở người trên 30 tuổi.
10 năm trước, sau khi sinh con gái thứ hai vài tuần, chị Nhi xuất hiện triệu chứng mệt, khó thở, phù chân, đi khám được chẩn đoán suy tim không rõ nguyên nhân. Chị uống thuốc điều trị theo toa, khỏe hơn, sinh hoạt và làm việc bình thường, sau đó tự ngưng thuốc, bỏ tái khám. Mới đây chị bị khó thở về đêm, lúc nằm, khi đi lại hay sinh hoạt cá nhân, tăng 12 kg trong vòng gần một tháng. Chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra.
Ngày 8/1, ThS.BS Đỗ Thị Hoài Thơ, Phòng khám Suy tim, Trung tâm Tim mạch, cho biết bệnh nhân có những triệu chứng suy tim điển hình như phù mặt, phù chân, mệt, khó thở nhiều, xảy ra khi chức năng tim suy giảm. Siêu âm tim ghi nhận LVEF còn 13%, bình thường hơn 50%. Chị Nhi được xét nghiệm gene, ghi nhận có đột biến gene TTN - tác nhân gây ra khoảng 20% các trường hợp cơ tim giãn nở gia đình. Phụ nữ mang đột biến gene TTN khi mang thai và sinh con có khả năng mắc bệnh cơ tim chu sinh. Bác sĩ nghi ngờ bệnh cơ tim chu sinh là nguyên nhân khiến chị Nhi suy tim nặng.
Thời điểm nhập viện, chị Nhi phải thở oxy, sinh hoạt tại giường. "Bệnh nhân phát hiện suy tim từ lâu nhưng không tìm ra nguyên nhân, cộng thêm điều trị không triệt để, chức năng tim suy giảm dần", bác sĩ Thơ nói.
Chị Nhi được điều trị bằng thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị suy tim... Sau một tuần, chị giảm khó thở, giảm 3 kg, được điều trị ngoại trú.
Một tuần sau, chị Nhi nhập viện trở lại vì phù tăng và khó thở nhiều hơn, LVEF 15% với tình trạng đề kháng thuốc lợi tiểu. Bác sĩ phối hợp thuốc lợi tiểu đường uống và truyền tĩnh mạch, kết hợp thuốc nền tảng điều trị suy tim, vận động hợp lý. Sau 10 ngày tình trạng ổn định, chị xuất viện, cần theo dõi lượng nước tiểu, cân nặng, lượng nước nạp vào mỗi ngày, không tự ý ngưng hay tăng giảm liều thuốc, tái khám nếu có bất thường
ThS.BS Đinh Vũ Phương Thảo, Phòng khám Suy tim, Trung tâm Tim mạch, cho hay trong số một triệu người suy tim nhập viện hàng năm, có đến 1/4 trường hợp tái nhập viện sau xuất viện trong tháng đầu tiên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái nhập viện có thể do hội chứng vành cấp, tăng huyết áp không kiểm soát, rối loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, các bệnh lý nhiễm trùng khác, không tuân thủ điều trị (thuốc và chế độ ăn), thiếu máu, bệnh tuyến giáp...
Sau hơn 9 tháng kể từ lúc nhập viện vì suy tim nặng, chị Nhi không tái nhập viện, chỉ số LVEF tăng lên 47%, giảm 10 kg, hết phù, hết khó thở. Chị có thể làm việc, chăm sóc con cái, gắng sức ở mức độ vừa.
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh trước khi mang thai gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì. Yếu tố nguy cơ liên quan đến thai kỳ gồm mang thai lần đầu, mang thai đôi hoặc ba, được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim chu sinh trước đó, mang thai nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản, tiền sản giật và sản giật, thiếu máu, bệnh tuyến giáp, hen suyễn hoặc bệnh tự miễn bùng phát.
Cách giảm nguy cơ mắc bệnh cơ tim chu sinh là giữ cho tim khỏe mạnh, ăn thực phẩm tốt cho tim, thường xuyên vận động, không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, duy trì chỉ số khối cơ thể BMI dưới 23, kiểm soát tốt bệnh nền. Người bị suy tim trong lần mang thai trước nên hỏi ý kiến bác sĩ về các yếu tố nguy cơ khi có kế hoạch mang thai lần nữa.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |