Ngày 28/8, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, khối phình của bà Mai nằm ở động mạch chủ phía dưới động mạch thận. Hiệp hội Tim mạch châu Âu và Mỹ khuyến cáo khối phình trên 5,5 cm cần can thiệp để tránh nguy cơ vỡ, gây chảy máu trong, đe dọa tính mạng.
Bác sĩ Dũng cắt khối phình động mạch chủ bụng cho bệnh nhân, thay bằng ống ghép mạch máu nhân tạo. Bệnh nhân còn hẹp 50% đoạn giữa của nhánh động mạch liên thất trước. Vì thế, ê kíp bác sĩ can thiệp mạch túc trực trong phòng mổ, theo dõi chỉ số huyết động của bệnh nhân. Nếu quá trình thao tác trên động mạch chủ bụng khiến tình trạng hẹp mạch vành nặng lên, bác sĩ phải đặt stent nong mạch ngay.
May mắn, ca mổ thành công sau hai giờ và không cần đặt stent mạch vành. Bà Mai hồi phục tốt, hết đau tức bụng, xuất viện sau 7 ngày.
Bác sĩ Dũng cho biết tình trạng phình của động mạch chủ có thể gặp ở cả đoạn ở trong bụng hay trên ngực. Trong đó, phình động mạch chủ bụng chiếm 3/4 số ca phình động mạch chủ, tỷ lệ mắc 0,4-7,6%, nam gấp ba lần nữ giới.
Hầu hết người bệnh không có triệu chứng. Nhiều trường hợp đau sâu, âm ỉ liên tục ở vùng bụng hoặc một bên bụng, kèm đau lưng nên dễ nhầm lẫn bệnh tiêu hóa, cơ xương khớp, dẫn đến phát hiện và điều trị muộn.
Người có các triệu chứng nghi vỡ khối phình động mạch chủ như mất ý thức (ngất xỉu hoặc bất tỉnh), tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, đau đột ngột, dữ dội ở ngực, bụng hoặc lưng, cần đến bệnh viện ngay.
Bệnh xảy ra do xơ vữa động mạch (chất béo và các chất khác tích tụ trên thành mạch máu), tăng huyết áp (làm hỏng và yếu thành động mạch chủ), bệnh về mạch máu (mạch máu bị viêm), tai nạn xe cộ hoặc tai nạn lao động (làm tổn thương mạch máu). Nam giới trên 65 tuổi, hút thuốc lá, có tiền sử gia đình mắc bệnh nên tầm soát sớm.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |