Sáng 22/2, chị Tuyền phải dừng xạ trị u vú do mắc Covid-19. Chị cười thật giòn nói "sẽ giải quyết từng bệnh một thật nhanh chóng để còn về với con cháu". Hơn một năm qua từ khi phát hiện bệnh, chị từng suy sụp. Nhìn tổ ấm hạnh phúc, chị được tiếp thêm sức mạnh, vượt qua những cơn đau, tác dụng phụ sau mỗi đợt điều trị.
Mắc ung thư vú ở tuổi tứ tuần
Theo lịch hẹn của bác sĩ, sáng 22/2, chị Tuyền xạ trị u vú theo phác đồ tại một bệnh viện ở Hà Nội. Như thói quen suốt gần một năm qua, mỗi 3 tuần, chị đến viện hoá trị vào buổi sáng và trở về nhà trong ngày. Tuy nhiên, chuyến đi hôm nay đột xuất bị kéo dài vì chị có kết quả test nhanh dương tính với Covid-19.
Bác sĩ bảo chị phải điều trị Covid-19, khi nào có kết quả âm tính sẽ tiếp tục xạ trị. Chị gọi về nhà dặn dò con cháu. Qua điện thoại, chị sắp xếp việc nhà, buôn bán ở cửa hàng những ngày tới để ổn thỏa rồi mới yên tâm điều trị.
"Tôi nghe tin mắc Covid-19 nhưng không lo lắng, hoảng hốt, cũng không chút hoang mang. Điều đáng sợ nhất với tôi là khi bác sĩ thông báo tôi bị ung thư vú vào tháng 4/2021. Tôi đã chiến đấu với ung thư gần một năm, vượt qua nhiều đau đớn, nên giờ không có gì đáng sợ với tôi nữa", chị Tuyền nói.
Chị Tuyền kể lại, vào tháng 1/2021, trên ngực chị xuất hiện vài khối u nhỏ. Ban đầu chị nghĩ là hiện tượng bình thường của phụ nữ khi đến tháng, thế nhưng khối u càng lúc càng lớn. Chị đến bệnh viện ở Hải Phòng thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán chị có khối u lành.
Điều trị khoảng 3 tháng, uống và kết hợp tiêm thuốc thì khối u của chị tiêu dần. Chưa kịp vui mừng, vài tuần sau, ngực chị đau dữ dội hơn, lâu lâu có cảm giác nhói như ai đó bóp nghẹt. Chị Tuyền quay lại Hải Phòng kiểm tra và nhận tin ung thư vú.
Người phụ nữ tứ tuần suy sụp sau thông báo từ bác sĩ. Chị khóc liên tục cả tuần sau đó, chỉ nằm trong phòng và không tha thiết gì đến cuộc sống. "Lúc đó, trong đầu tôi chỉ nghĩ mình sắp chết rồi. Tôi nghĩ nhiều lắm và toàn những điều tiêu cực, hoang mang, lo lắng rồi sợ hãi", chị nhớ lại.
Động lực để chiến đấu với ung thư
Thấy vợ triền miên buồn bã, chỉ trốn trong phòng, anh Xuân Mạnh (chồng chị Tuyền) cùng hai con tìm hiểu thông tin về ung thư vú. Đọc qua nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư vú có thể điều trị khỏi, phục hồi tốt, cùng sự động viên của bố mẹ, anh chị em trong gia đình, chị Tuyền gạt bỏ suy nghĩ buông xuôi và chấp nhận điều trị.
Hai vợ chồng chị được giới thiệu đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội vào tháng 6/2021. Theo tư vấn của TS.BS Vũ Hữu Khiêm - Trưởng khoa Ung bướu, chị Tuyền cần hóa trị liệu trình 6 lần, cách nhau 21 ngày.
Lần truyền hóa chất đầu tiên vào khoảng tháng 7/2021 là thời điểm dịch bệnh Covid-19 căng thẳn, Hải Dương và Hà Nội đều thực hiện giãn cách xã hội. Chị Tuyền chia sẻ, nếu đi lại giữa hai tỉnh thời điểm đó, chị phải cách ly 14 ngày, trong khi 20 ngày phải truyền một lần nên chị chọn thuê trọ ở gần bệnh viện. Lần đó, vợ chồng chị bị kẹt lại Hà Nội hơn 40 ngày.
"Lúc truyền mũi một, cơ thể chưa quen nên tôi vật vã, mệt mỏi. Miệng lúc nào cũng đắng ngắt, buồn nôn, đi ngoài, cả người khó chịu. Hai vợ chồng ở trọ, sợ dịch bệnh nên ăn toàn cơm hộp. Nhạt miệng rồi không hợp khẩu vị nên mỗi bữa cố gắng lắm cũng chỉ ăn được một ít cơm. Chồng tôi thấy vậy nên lo lắng, anh bảo tôi cứ như thế này thì có khi chết vì đói trước khi chết vì ung thư", chị Tuyền kể.
Nhìn chị đau đớn, chồng con cũng rũ rượi theo, chị buộc bản thân phải mạnh mẽ. Đến ngày thứ 10, chị ăn hết một bát cháo nhỏ, những ngày sau đó bồi bổ thêm nước cam, tổ yến, nước dừa.
"Nhờ được vực dậy tinh thần, ăn uống tốt nên tôi đủ điều kiện truyền hóa chất 5 lần tiếp theo mà không bị trễ lịch. Những lần truyền sau, nhờ sự động viên, trợ giúp của y bác sĩ, của gia đình và do có kinh nghiệm hơn nên tôi chuẩn bị đồ ăn loãng, uống thuốc chống nôn, men tiêu hóa để bảo vệ dạ dày...", chị Tuyền nói.
Tháng 12/2021, chị Tuyền trải qua cuộc phẫu thuật đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, kết quả phẫu thuật thành công, vết mổ đẹp. Theo phác đồ điều trị triệt căn chị tiếp tục xạ trị 25 lần và truyền thêm 14 lần kháng thể đơn dòng bổ trợ tại một bệnh viện ở Hà Nội. Dự kiến đến hết năm 2022, chị sẽ hoàn thành phác đồ.
Từ một người không chấp nhận điều trị, đến nay, chị Tuyền đã đi qua chặng đường khó khăn gian khổ nhất, sức khỏe tiến triển tốt. Ngày nào không xạ trị, chị đều buôn bán từ sáng đến khuya.
"Giờ tôi khỏe lắm, làm việc nặng cũng không sao. Tôi có được ngày hôm nay là nhờ sự tận tình của các bác sĩ và sự động viên của gia đình. Vì vậy, mỗi khi bản thân mệt mỏi, yếu lòng tôi lại nghĩ đến bố mẹ, các con cháu luôn bên cạnh động viên mà tự vực dậy tinh thần", chị Tuyền chia sẻ.
Chị tuân thủ lời khuyên từ bác sĩ, lúc nào cũng suy nghĩ thoải mái, lạc quan. Mỗi buổi sáng chị thức dậy sớm, luyện tập thể dục, thể thao. Chị chọn ăn những món mình thích, nghe những bài nhạc sôi động và xem việc đi chữa bệnh đơn giản như đi chợ mỗi ngày.
"Dù gì cũng có bệnh rồi, buồn bã cũng không thay đổi được. Tôi giờ chỉ sống có ích và suy nghĩ cứ điều trị, hết liệu trình sẽ khỏi bệnh, không nghĩ gì khác", chị nói thêm.
Chị Tuyền nhắn nhủ nếu không may mắc ung thư thì người bệnh đừng vội chán nản, buồn bã. Các chiến binh K nên nghĩ về những điều tốt đẹp trong cuộc sống để cố gắng. Với những ai đang khỏe mạnh, nhất là phụ nữ nên dành thời gian tầm soát, khám bệnh định kỳ. Bất cứ bệnh gì, kể cả ung thư nếu tầm soát phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Tên nhân vật đã được thay đổi
Anh Chi