Đông lạnh trứng là phương pháp nhằm bảo tồn khả năng mang thai của phụ nữ. Trứng được lấy từ buồng trứng, trữ đông và bảo quản trong thời gian dài, khi cần thiết sẽ được rã đông và thụ tinh nhân tạo để tạo thành phôi, từ đó cấy lại vào tử cung phụ nữ mang thai.
Đông lạnh trứng là một lựa chọn thay thế ở người chưa có nhu cầu mang thai, nhưng vẫn muốn có con sau này, theo tiến sĩ Hanh Cottrell, Trung tâm Sinh sản IVF Michigan.
"Đại dịch cho chúng ta nhiều thời gian cân nhắc lại mục tiêu hiện tại và tương lai của bản thân. Trong bối cảnh Covid-19 còn lây lan, nhiều người lưỡng lự với kế hoạch mang thai", bà nói.
Nhiều phụ nữ lựa chọn đông lạnh trứng vì chưa có đối tượng kết hôn phù hợp.
"Họ chưa tìm được bạn đời vì tình trạng giãn cách xã hội đã làm hạn chế giao tiếp. Vì thế, họ trì hoãn xây dựng gia đình và quyết định đông lạnh trứng để linh hoạt hơn trong các quyết định kết hôn sau này", tiến sĩ Cottrell nói.
Trong năm 2018, Trung tâm Sinh sản IVF Michigan tiếp nhận 31 ca sử dụng dịch vụ đông lạnh trứng. Năm 2022, con số tăng lên 60 ca, dự kiến tăng lên trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Công nghệ Hỗ trợ Sinh sản, xu hướng đông lạnh trứng cũng tăng nhẹ kể từ trước đại dịch. Tại Mỹ, chỉ trong năm 2019, có hơn 16.000 chu kỳ đông lạnh trứng được thực hiện, nhiều hơn so với 13.000 ca vào năm 2018.
Singapore ghi nhận xu hướng tương tự. Dịch vụ đông lạnh trứng từng bị cấm tại quốc gia này. Đến tháng 3, chính phủ có động thái mang tính đột phá khi thông báo kể từ năm 2023, phụ nữ độc thân 21-35 tuổi được phép đông lạnh trứng.
Trước đây, những người muốn đông lạnh trứng phải ra nước ngoài. Gwendolyn Tan là một trong số đó. Người phụ nữ 31 tuổi luôn muốn có con, nhưng chưa thể tìm được bạn đời. Giải pháp tốt nhất hiện tại là trữ đông trứng, để đảm bảo việc hẹn hò và kết hôn sẽ không diễn ra chỉ vì mục đích sinh con.
Chi phí đông lạnh trứng không hề rẻ. Tan một mình lên máy bay đến thủ đô Bangkok của Thái Lan, chi 15.000 đô la Singapore (10.900 USD) cho dịch vụ này.
Một phòng khám ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia ghi nhận số lượng phụ nữ Singapore đến làm thủ thuật đông lạnh trứng ngày càng tăng, đặc biệt là vào năm 2021.
Nhiều người cho rằng đông lạnh trứng có thể giúp tăng tỷ lệ sinh sản vốn thấp gần nhất thế giới của Singapore. Năm 2020, tỷ suất sinh ở mức thấp lịch sử là 1,1 trẻ sơ sinh trên một phụ nữ, chưa bằng một nửa so với mức trung bình toàn cầu là 2,4.
Khác với đông lạnh trứng đã thụ tinh (bảo quản lạnh phôi), đông lạnh trứng không cần đến tinh trùng. Tuy nhiên, người có nhu cầu làm thủ thuật này sẽ cần sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản để kích rụng trứng, sản xuất nhiều trứng hơn.
Chuyên gia chỉ ra một số rủi ro liên quan đến việc đông lạnh trứng. Trong một số trường hợp hiếm gặp, việc sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản dạng tiêm, chẳng hạn hormone kích thích nang trứng tổng hợp hoặc hormone tạo hoàng thể để kích thích rụng trứng, có thể khiến buồng trứng sưng, đau khi rụng trứng hoăc lấy trứng. Đây gọi là hội chứng quá kích buồng trứng. Các triệu chứng bao gồm đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
Bệnh nhân cũng có thể gặp biến chứng khi cấy lại trứng vào cơ thể. Việc sử dụng kim tiêm chọc hút có thể gây chảy máu, nhiễm trùng hoặc tổn thương ruột, bàng quang, mạch máu, song hiếm gặp.
Thục Linh (Theo Fox News, BBC, Mayo Clinic)