Cô chuyển về sống cùng gia đình ở Chicago, đăng ký trữ đông trứng tại một phòng khám. Mỗi ngày cô sẽ tiêm thuốc kích thích để tăng số lượng trứng. Bên cạnh đó là lịch siêu âm, xét nghiệm máu định kỳ trước khi làm thủ tục chọc hút trứng.
René Hurtado, 28 tuổi, phải ở nhà nhiều tuần trước khi được lấy trứng do tác dụng phụ của những lần tiêm như chuột rút, đau đầu.
"Vào ngày tiêm thứ 5, tôi cảm thấy không đi nổi", Hurtado cho biết.
Sharon Covington, nhà tâm lý tại phòng khám phụ sản Shady Grove, có lịch làm việc dày đặc với các khách hàng cần tư vấn các gói khám, trong đó có trữ đông trứng.
Theo Covington, nhiều phụ nữ quyết định bảo quản trứng vì đại dịch khiến họ rảnh hơn.
"Mọi người phải tạm dừng công việc. Điều này cho họ thời gian suy ngẫm những gì cần ưu tiên, cũng như định hướng cho tương lai", Covington nói.
Khi Covid-19 càn quét nước Mỹ, số người đến các phòng khám phụ sản có xu hướng giảm do lo ngại bị nhiễm virus và tài chính bấp bênh.
Tuy nhiên, số người đăng ký đông lạnh trứng đã tăng lên ở ít nhất 54 phòng khám tại các thành phố lớn như Denver, Atlanta và Seattle.
Các liệu trình hỗ trợ sinh sản không hề rẻ, chẳng hạn trữ đông trứng chi phí từ 6.000 đến 20.000 USD một lần.
Đông lạnh trứng, còn gọi là bảo quản lạnh noãn bào trưởng thành, là phương pháp được sử dụng để bảo tồn khả năng mang thai trong tương lai của người nữ. Trứng chưa thụ tinh được lấy từ buồng trứng và bảo quản ở điều kiện lạnh sâu (bằng hơi nitơ hoặc nitơ lỏng) trong thời gian dài. Một quả trứng đông lạnh sau khi rã đông có thể kết hợp với tinh trùng trong phòng thí nghiệm và cấy vào tử cung của người mẹ.
Theo các chuyên gia, thời điểm thích hợp nhất để thực hiện liệu pháp là trước 35 tuổi. Càng trẻ, số lượng trứng càng nhiều và tỷ lệ trữ đông thành công càng cao.
Bryn Woznicki, nhà làm phim 33 tuổi tại Los Angeles, từ lâu đã muốn được làm mẹ nhưng thời gian không chờ đợi cô.
Khi các dự án phim bị đình trệ do dịch bệnh và việc hẹn hò trở nên khó khăn hơn, Woznicki quyết định bảo quản trứng. Cô cảm thấy điều này là cần thiết, giúp bản thân an tâm hơn về khả năng thụ thai giảm dần trong những năm tháng tiếp theo.
Trữ đông trứng ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều phụ nữ tìm đến phương pháp này để đảm bảo khả năng sinh sản trước tác động tiêu cực của hóa trị, xạ trị (trong trường hợp mắc ung thư). Song nhiều người khác chỉ đơn giản là chưa sẵn sàng có con.
Năm 2009, chỉ có 475 phụ nữ đông lạnh trứng, theo Hiệp hội Công nghệ Hỗ trợ Sinh sản. Đến năm 2018, con số đó đã đạt tới 13.275, tăng 2.695%.
Mai Dung (Theo Time)