"Tôi năm 18 tuổi cũng thích dùng bạo lực, hoang dã do thừa hưởng tính bạo lực của cha mình. Là con gái nhưng tôi dám đánh nhau với cả con trai. Khi sống ở ký túc xá trường Đại học, tôi mới biết, thế giới của các bạn không giống mình. Các bạn tôi lớn lên trong kẹo ngọt, váy đầm, đồ chơi và tình yêu thương của cha mẹ. Ban đầu, tôi không biết phải làm thế nào để hòa nhập nên gây ra rất nhiều mâu thuẫn. Nhưng dần dần tôi cũng học được rất nhiều điều hay từ các bạn, và thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực hơn.
Vậy nhưng có một điều tôi không bao giờ thay đổi được, đó là nỗi sợ hãi, ám ảnh với đàn ông Việt. Nhìn đâu tôi cũng thấy hình ảnh cha mình trong đó. Khi giao tiếp, công việc bình thường thì không sao, nhưng vượt qua ranh giới cho phép là tôi phản ứng tiêu cực ngay.
Tôi chọn giải pháp yêu người nước ngoài, may mắn là môi trường công việc của tôi tiếp xúc với người nước ngoài nhiều hơn. Sự thật là những đứa không có gốc gác, nguồn cội như tôi lại trở thành ưu thế rất dễ dàng dễ hòa nhập môi trường văn hoá khác biệt.
Trẻ bị bạo hành cũng giống như cha mẹ trồng cây gai trên thửa đất của con vậy, mật độ càng dày thì đứa trẻ đó càng gai góc. Muốn nhổ đi là cả một quá trình, không phải ai cũng nhổ được. Tóm lại, cha mẹ trồng gai trên mảnh đất cuộc đời của con cái mà đòi gặt hái quả ngọt thì không bao giờ có, chỉ có gai mà thôi".
Đó là chia sẻ của độc giả Meo Meo về quá khứ với những trận đòn roi của cha. Đòn roi từng được coi là hình phạt phổ biến của cha mẹ Việt để trừng phạt hành vi không tốt của trẻ và hành vi càng nghiêm trọng thì những trận đòn lại càng dữ dội. Không ít các bậc cha mẹ sẽ ngay lập tức đánh con trong cơn tức giận không thể kiểm soát của họ. Số khác tuy có thể kiềm chế được cơn giận nhưng vẫn đánh con vì theo họ, "đánh thì con mới ngoan, mới vào nề nếp được".
Cũng có ký ức về tuổi thơ bị cha mẹ đánh mắng thường xuyên, bạn đọc Linh Trần nói về những ám ảnh của mình: "Tôi cũng là một người từng hứng chịu đòn roi của bố mẹ rất nhiều nên hiểu cái cảm giác bị đánh, lại còn là đánh oan. Đó là cảm giác căm phẫn và uất ức. Tôi là một đứa con trai, nhiều lúc cha mẹ đánh không đã tay, hoặc roi bị gãy, họ dùng luôn cái đòn gánh để đánh tôi.
Bị bố mẹ ép học nên khi nghĩ tới chuyện học, tôi ngán tận cổ. Họ bắt tôi thức tới 1-2h sáng trong khi tôi chẳng còn tâm trí để học. Chỉ vì bạn bè của bố mẹ đều khoe con cái của họ học tới sáng, nên bố mẹ tôi (là công chức) sĩ diện, khiến tôi áp lực rất lớn về việc học. Dù là anh cả nhưng tôi vẫn bị đối xử theo kiểu: "con lớn rồi, nhường cho em những thứ ngon đi." Và tôi lại thấy tủi thân vì điều đó. Tôi bị bắt đi chơi không được về muộn sau 21h, nếu về sau giờ đó sẽ hoặc là bị ăn đòn, hoặc là ngủ ngoài sân, nên tôi rất sợ.
Giờ tôi cũng chẳng muốn về nhà hay gọi về quá nhiều vì vẫn ám ảnh đòn roi và sự bí bách khi gần cha mẹ. Tôi chán ghét điều đó. Mỗi năm Tết đến tôi vẫn về quê và thăm họ hàng một lần vì ràng buộc chữ 'hiếu'. Khi vào Sài Gòn, tôi lại có cảm giác được tự do, thoải mái hơn nhiều. Cuộc sống lúc đó mới thật đúng nghĩa".
>> Ngộ nhận 'trưởng thành nhờ đòn roi'
Những câu nói như "đánh con, bố mẹ còn đau hơn nhiều" hay "bố mẹ đánh vì thương con"... chắc chắn không thể xóa đi được nỗi đau về thể chất và tinh thần mà bạn đã gây ra cho trẻ sau những trận đòn roi. Nhấn mạnh những hậu quả tiêu cực sau những trận đòn roi của cha mẹ, độc giả Mỹ nguyễn chia sẻ: "Tôi là đứa con của gia đình dùng bạo lực để dạy dỗ. Và tôi và chị mình đang phân chia rõ tính cách. Chị tôi thuộc mẫu thích văng tục, chửi rủa và đánh đập để dạy con. Còn tôi vài năm trở lại đây đã nhận ra bạo lực thực sự không mang lại hiệu quả, thậm chí còn dẫn đến hậu quả khó lường.
Nhiều người bao biện "khi lớn khôn sẽ hiểu cho những trận đòn roi của ba mẹ ngày xưa" hay "thời đó ai cũng làm vậy". Nhưng liệu có bao nhiêu bậc cha mẹ đã nhận ra sai lầm và xin lỗi con cái của mình chưa? Hay cứ làm cha mẹ là không cần phải xin lỗi, phải hối hận vì nhân mình đã gieo?
Mỗi đứa trẻ mỗi con người đều có một nhận thức và khả năng nhận thức nhất định. Không phải việc bạn nhận thức được đánh đập là sai và hình thành suy nghĩ không đánh đập con cái sau này thì người khác họ cũng làm được như vậy. Thế nên, việc đánh đập con cái và nhận hậu quả bởi sự xa cách với con cái chính là quả báo".
Nhiều nghiên cứu trên Thế giới đã chỉ ra rằng, những hình phạt bằng đòn roi có thể gây ra những tổn thương tới sức khỏe, thể chất và ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập của trẻ. Hơn nữa, việc đánh con là con đường nhanh nhất dẫn trẻ tới những nguy cơ bị chấn thương về tâm lý, từ đó trẻ có thể sẽ trở nên sống khép kín và gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội. Thậm chí, những người bị bạo hành từ nhỏ khi trưởng thành còn có xu hướng lạm dụng chất gây nghiện hoặc trở nên hung hăng, lặp lại hành vi bạo lực ấy với các thành viên trong gia đình. Độc giả BVTruc nhấn mạnh:
"Thứ nhất, tôi không nói đến việc bố mẹ đánh con là đúng hay sai, cũng không dám khẳng định con cái dùng sự lạnh nhạt để trả lại cha mẹ là sai hay đúng, bởi đó là do lương tâm của mỗi người tự phán xét, định đoạt. Tôi cũng là một người tuổi trung niên, tuổi thơ cũng bị ăn nhiều đòn roi nhất trong nhà (tôi là con trai thứ hai trong gia đình), nên tôi hiểu sự thù ghét của các con với bậc sinh thành sau khi bị đánh là hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, điều chúng ta cần hướng tới không phải là ở hiện tại, mà là tương lai khi rồi đây những đứa con kia cũng trở thành cha mẹ. Câu hỏi của tôi là bạn sẽ mong mỏi gì từ sự đáp trả của con với mình? Thế nên:
1. Bạn hãy hành xử thế nào để không lặp lại công thức đòn roi mà cha mẹ đã làm với mình ngày trước, ngay cả những lúc giận dữ nhất với con.Điều này bạn phải học và hiểu cách làm của người làm cha mẹ thời hiện đại.
2. Hãy làm tấm gương cho con bạn. Bởi chúng sẽ có thể làm điều tương tự với bạn trong tương lai.
3. Hãy hiểu rằng, bố mẹ bạn xưa có thể không học, không hiểu, không biết cách ứng xử với con cái. Nhưng chúng ta - những người bố mẹ trong thời hiện đại, hãy hành xử bao dung hơn với con, và bạn sẽ nhận được những điều xứng đáng trong tương lai".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.