Thời gian qua, tôi đọc được nhiều bình luận của độc giả chỉ trích cách dùng người và lối chơi mà HLV Philippe Troussier đang áp dụng cho đội tuyển Việt Nam, đồng thời bi quan trước thành tích của đội nhà ở Asian Cup 2023 sắp tới. Tuy nhiên, tôi tự hỏi, liệu có bao nhiêu người trong số này từng xem trọn vẹn một trận đấu ở V-League? Các bạn có biết các CLB trong nước đang đá với sơ đồ, chiến thuật ra sao, cầu thủ ở đó đá như thế nào?
Nhiều người không hiểu thực tế rằng các cầu thủ trụ cột thời HLV Park Hang-seo đến nay người đã già thêm 4-5 tuổi, người chấn thương liên miên, người đánh mất cả phong độ của chính mình... Vậy làm sao để ông Troussier tận dụng lại được?
Mục đích của VFF khi mời HLV người Pháp về làm việc không phải chỉ để đá thắng mấy trận vô thưởng, vô phạt. Tầm nhìn xa hơn chính là nâng tầm cả một nền bóng đá, từ lứa U đến ĐTQG, và quan trọng nhất là thay đổi hệ thống thi đấu ở các cấp CLB.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia, HLV danh tiếng từng nói bóng đá Việt xây nhà từ nóc. Muốn có một ĐTQG mạnh thì chúng ta phải có một giải V-League chuyên nghiệp, phát triển. Các bạn hãy nhìn xem Thai League được xây dựng, hoạt đồng thế nào, sẽ hiểu vì sao ĐTQG của họ mạnh. Trong khi đó, Việt Nam có bao nhiêu cầu thủ xuất ngoại thành công? Có bao nhiêu CLB V-League tiến xa ở cup C1 châu Á, thậm chí cả C2?
Thế nên, cái gốc của một nền bóng đá vẫn nằm ở CLB, nằm ở công tác đào tạo trẻ. Hãy học tính cách của người Nhật. Nếu CĐV Nhật cũng đòi hỏi ăn xổi như nhiều người hâm mộ Việt Nam thì làm gì có một đội tuyển Nhật Bản hùng mạnh như ngày hôm nay.
Nói về khía cạnh chuyên môn, khi nào đội tuyển Việt Nam mới có thể chơi thứ bóng đá pressing sòng phẳng với các đội top đầu châu Á được? 5 năm, 10 năm hay 30 năm... nữa? Ngay từ bây giờ không làm thì đợi đến khi nào chúng ta mới dám làm? Năm 1998 là đầu tiên Nhật Bản được dự World Cup, và để có được vinh dự đó họ cũng trải qua quá trình phát trước đó 30 năm. Chúng ta nếu muốn được như vậy thì cũng phải bắt đầu đặt những viên gạch mới đầu tiên từ bây giờ.
>> Việt Nam khó mơ thành tích khi chiều cao 'đội sổ' ở Asian Cup
Ngạn ngữ có câu: "Bây giờ không trông cây thì 10 năm sau lấy đâu ra cây". Thế giới luôn thay đổi, trong khi chúng ta lại ngại thay đổi, thì làm sao tiến bộ? Minh chứng sống là lối chơi của Mourinho - một chuyên gia "dựng xe buýt" từng xưng bá một thời, đến nay cũng thất thế. Nếu chúng ta cứ giữ mãi tư duy chơi bóng tử thủ như vậy thì biết bao giờ bóng đá Việt Nam mới phát triển được? Muốn đội tuyển mạnh và phát triển, chúng ta bắt buộc phải thay đổi cái tư duy cũ kỹ, lỗi thời đó. Mà việc thay đổi đầu tiên là từ chính người xem bóng đá.
Người hâm mộ Việt Nam luôn chỉ muốn thắng liền, chứ không muốn có một quá trình xây dựng bên vững, nên sẽ rất khó thay đổi tư duy cố hữu đó. Ông Park tới đúng thời điểm bóng đá Việt Nam đang xuống đáy, nhưng lại có một lứa cầu thủ trẻ chất lượng, đạt đúng điểm rơi phong độ, nên ông đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, những thành tích đó không bền bởi cái gốc rễ của bóng đá Việt Nam vẫn nằm ở khâu đào tạo trẻ, và cách chơi ở cấp độ CLB. Mà những yếu tố đó đến nay đạt được bao nhiêu?
Tôi tin rằng, giờ dù cho ông Park có quay lại nắm đội hình này thì cũng sẽ chẳng thể làm được gì. Cách làm bóng đá của chúng ta vẫn còn nửa vời. Hơn 20 năm lên chuyên nghiệp mà V-League vẫn còn nhiều sạn, cầu thủ mới có chút tiếng tăm ở giải trẻ mà đã nghĩ mình là ngôi sao, làm đủ trò rồi. Vậy lấy đâu ra cơ sở để phát triển đội tuyển quốc gia?
Góc nhìn của tôi có lẽ khác với phần đông những người đang chỉ trích lối chơi của ĐT Việt Nam. Lý do tại sao nền bóng đá của Nhật lại phát triển vượt bậc dù đi sau Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia, UAE...? Đó là vì họ dám thay đổi. Và tôi nhìn thấy tương lai của cả một nền bóng đá nước nhà sẽ mạnh hơn nhiều trong tương lai so với hiện nay nếu chúng ta kiên nhẫn với những thay đổi mạnh mẽ, toàn diện của mình.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.