Ba trận đấu với các đối thủ được đánh giá là dưới cơ, U23 Việt Nam thắng hai, hòa một, ghi được bốn bàn thắng, chưa để lọt lưới lần nào và gần như chắc suất vượt qua vòng bảng SEA Games 31. Quả thực, chúng ta đã có một kết quả tốt về mặt thành tích và điểm số, hoàn thành mục tiêu vượt qua vòng đấu bảng. Nhưng rõ ràng cái cách mà các cầu thủ thể hiện bản thân trên sân nhà vẫn còn rất nhiều vết gợn.
Xét về mặt trận phòng ngự, việc giữ sạch lưới sau cả ba lượt trận nghe có vẻ là một điều tích cực. Nhưng thực tế, những ai từng theo dõi tất cả các trận đấu của U23 Việt Nam đều hiểu rằng, việc chúng ta chưa bị thủng lưới phần nhiều là vì sức tấn công quá yếu của các đối thủ. Từ Indonesia, Philippines cho tới Myanmar đều chọn lối chơi phòng ngự số đông, đổ bê tông bên phần sân nhà để nhằm hạn chế bàn thua thay vì tìm cách dâng cao gây sức ép về phía đội chủ nhà, lại vốn là đương kim vô địch của giải.
Sẽ không bất ngờ nếu thầy trò HLV Park Hang-seo tiếp tục bảo toàn được mảnh lưới trong trận cuối cùng vòng bảng gặp Timor Leste - đội bóng được đánh giá yếu nhất bảng (mới ghi được ba bàn thắng và để thủng lưới tới 11 lần). Rõ ràng, rất khó để nói hàng thủ của U23 Việt Nam đã chơi hay nếu chỉ dựa trên những con số thống kê. Chính xác là các cầu thủ phòng ngự của chúng ta chưa có nhiều đất diễn, chưa được đối mặt với một hàng công mạnh thực sự. Và vì thế, cũng sẽ không bất ngờ nếu ở vòng Bán kết, họ sẽ bị ngợp khi lần đầu bị đối thủ tạo sức ép. Chất lượng hàng thủ của đội bóng vẫn sẽ là một dấu hỏi lớn ở giải đấu này.
Còn về mặt trận tấn công, đây quả thực là một mối lo hiện hữu ngay trước mắt với HLV Park. Chỉ bốn lần chọc thủng lưới đối phương dù trận nào cũng tấn công ồ ạt, ép sân toàn diện. Khâu dứt điểm cuối cùng của các tiền đạo U23 Việt Nam vẫn là một bài toán khó với ban lãnh đạo đội bóng. Trong khi cầu thủ nhiều kinh nghiệm nhất là Tiến Linh vẫn cho thấy một phong độ thiếu thuyết phục thì những cái tên mới khác cũng chưa thể hiện được gì nhiều. Sự yếu kém ở mặt trận tấn công chính là lý do khiến chúng ta mất điểm trước Philippines và phải rất chật vật mới thắng được Myanmar.
>> 'U23 Việt Nam mất điểm vì chiến thuật bảo thủ'
Thực ra, cũng rất khó để đổ lỗi cho HLV Park Hang-seo trước màn thể hiện dưới kỳ vọng của hàng tiền đạo. Vấn đề ở đây nằm ở yếu tố con người. Không quá để nói U23 Việt Nam hiện tại thiếu một tay săn bàn thực thụ. Chúng ta chẳng thiếu những cơ hội ngon ăn trong ba trận đấu đã qua, nhưng các chân sút cứ thay nhau bỏ lỡ.
Tôi tin kết quả đó không phải chỉ là phong độ nhất thời, mà nó phản ánh khá chính xác chất lượng thực sự của hàng công. Và điều đó lại chẳng hề là lỗi của ông Park.
Làm sao có thể trách được HLV trưởng khi có quá ít sự lựa chọn ưng ý. Bản thân các cầu thủ được gọi lần này cũng không có quá nhiều dấu ấn tại màu áo câu lạc bộ. Họ không có đủ thời lượng ra sân do phải chịu sự cạnh tranh quá gắt gao từ phía các ngoại binh. Vì chạy theo thành tích nên các đội bóng V-League cũng thường xuyên ưu tiên dùng cầu thủ ngoại thay vì mạo hiểm giao phó thành bại cho các cái tên trẻ còn thiếu kinh nghiệm. Không có đất diễn, chuyện các cầu thủ trẻ của Việt Nam không thế phát triển hoặc thiếu cảm giác bóng, âu cũng là điều dễ hiểu.
Thực trạng này một lần nữa khiến chúng ta phải quay lại câu chuyện hệ thống bóng đá ở Việt Nam. Chúng ta dường như vẫn bỏ mặc cho các câu lạc bộ tự tồn tại và phát triển. Không hề có một định hướng, chiến lược chung nào nhắm phát triển lực lượng kế cận ngay từ các đội bóng chủ quản như quy định số cầu thủ trẻ được ra sân, số phút họ được thi đấu... Và thế là chẳng đội bóng nào muốn đào tạo trẻ, vừa mất thời gian, tốn kém mà hiệu quả về mặt thành tích chắc chắn thấp hơn nhiều việc dùng ngoại binh có sẵn.
Và giờ đây, chúng ta đang phải hứng chịu chính hậu quả của cách làm bóng đá ăn xổi, đó khoảng cách trình độ mênh mông giữa đội tuyển quốc gia và lứa U23 kế cận. Thật khó để hình dung bóng đá Việt Nam sẽ duy trì vị thế "anh cả của khu vực" thế nào khi những Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn, Hùng Dũng, Hoàng Đức ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Ai sẽ là người thay thế họ gánh trên vai trọng trách đưa con thuyền bóng đá Việt tiếp tục vươn ra ngoài biển lớn?
>> Đầu tư cố chấp bóng đá Việt
Quay trở lại với câu chuyện ở SEA Games 31, lúc này, tấm vé đi tiếp không còn là điều đáng bận tâm với người Việt bởi chúng ta đã 99% chắc suất vượt qua vòng bảng. Tuy nhiên, chặng đường bảo vệ tấm Huy chương Vàng vẫn còn rất nhiều gian nan ở phía trước. Khó khăn sẽ chỉ thực sự xuất hiện ở vòng Bán kết khi thầy trò HLV Park sẽ đụng độ những đội bóng mạnh nhất trong khu vực và buộc phải giải quyết trận đấu trong 90 phút thi đấu chính thức. Mọi thứ sẽ không còn dễ thở như những trận vòng bảng và sẽ không có cơ hội sửa sai nếu hàng công vẫn tiếp tục đá văng đi những cơ hội như ba trận đấu đã qua.
Nếu cứ đá như thế này mà không thể cải thiện chất lượng tấn công, tôi e rằng cái giá mà thầy trò HLV Park phải trả sẽ là rất đắt. Một đội bóng muốn lên ngôi vô địch, không thể không biết ghi bàn. Họ có thể chơi tủ thủ, tấn công ít, nhưng phải biết chớp cơ hội dù là nhỏ nhất. Thắng một bàn hay năm bàn không quan trọng, vấn đề là cách chúng ta kiểm soát trận đấu và tận dụng cơ hội thế nào? Tôi sẽ vui hơn nếu đội bóng thắng 1-0 chỉ với một cơ hội duy nhất, chứ không phải sút cả chục lần mới may mắn đưa bóng vào lưới được một lần.
Timor Leste sẽ không phải thước đo chính xác cho chất lượng đội bóng của chúng ta. U23 Việt Nam có thể thắng rất đậm nếu muốn. Nhưng tôi mong, các cầu thủ, đặc biệt là hàng tiền đạo có thể tranh thủ cơ hội này để cải thiện cảm giác bóng, lấy lại tinh thần, mài dũa mũi tấn công để chuẩn bị cho những thử thách thực sự ở phía trước.
>> Bạn nghĩ sao về chất lượng thực sự của U23 Việt Nam? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.