Ngày 25/7, thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nửa năm qua người bệnh ung thư vú lựa chọn đoạn nhũ phòng ngừa đối bên, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bác sĩ Tấn giải thích đoạn nhũ phòng ngừa đối bên (Contralateral prophylactic mastectomy - CPM) là cắt bỏ tuyến vú còn lại để phòng ngừa ung thư. Người bệnh có thể được tái tạo ngực hai bên trong cùng một cuộc mổ, tránh phẫu thuật nhiều lần, giúp hai bên ngực cân xứng, đảm bảo thẩm mỹ. Trường hợp ung thư vú một bên đã điều trị và không đoạn nhũ bên còn lại, người bệnh phải kiểm tra định kỳ, siêu âm, chụp nhũ ảnh mỗi 6-12 tháng. Quá trình này kéo dài gây tốn kém, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe.
Nghiên cứu đăng trên Viện Y tế Quốc gia Mỹ năm 2022, cho thấy phương pháp đoạn nhũ phòng đối bên giúp giảm nguy cơ ung thư vú đến 93%. Bác sĩ Tấn cho biết hiện chưa có phác đồ chính thức cho đoạn nhũ phòng ngừa. Hầu hết trường hợp phương pháp này thực hiện theo nguyện vọng của người bệnh.
Như chị Dung, 42 tuổi, có u cỡ hạt đậu xanh ở ngực phải, nghĩ lành tính. Khi u lớn hơn, chị đi khám, bác sĩ chẩn đoán ung thư vú giai đoạn hai, thể nội tiết dương tính. Chị lo lắng ung thư ngực nên muốn đoạn nhũ bên còn lại để phòng ngừa, vừa an tâm vừa tái tạo cùng lúc hai bên, đảm bảo cân xứng.
Theo nguyện vọng người bệnh, bác sĩ Bá Tấn phẫu thuật cắt tuyến vú phải, điều trị ung thư, tái tạo ngực bằng vạt da cơ lưng rộng đảm bảo thẩm mỹ.
Còn chị Mùi, 28 tuổi, ngực trái có khối u, bác sĩ chẩn đoán ung thư vú giai đoạn một. Chị chuẩn bị kết hôn, song hoãn đám cưới để điều trị ung thư tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Bác sĩ Tấn chỉ định chị Mùi sinh thiết hạch gác cửa bằng chất màu xanh methylene, cắt tuyến vú ung thư. Chị còn trẻ, nguy cơ tái phát cao nên mong muốn đoạn nhũ bên chưa mắc ung thư để phòng ngừa.
Chị Mùi từng đặt túi ngực hai bên ở sau cơ ngực. Quá trình phẫu thuật, bác sĩ Tấn kiểm tra thấy túi chưa có dấu hiệu hư hỏng nên sau đoạn nhũ đã dùng túi cũ tái tạo cho người bệnh.
Hậu phẫu, hai người bệnh phục hồi sức khỏe tốt, xuất viện sau hai ngày. Khoảng hai tuần sau phẫu thuật, họ được cắt chỉ, vết thương khô, tiếp tục siêu âm định kỳ để kiểm tra có bất thường hay không sau điều trị.
Tại các nước Âu - Mỹ, phương pháp này khá được ưa chuộng, theo bác sĩ Tấn. Nghiên cứu của Hệ thống Y tế Đại học NorthShore theo dõi gần 553.600 trường hợp ung thư vú trên Cơ sở Dữ liệu Ung thư Quốc gia Mỹ 2003-2010, kết quả tỷ lệ phụ nữ trẻ dưới 45 tuổi lựa chọn phẫu thuật đoạn nhũ tăng từ 9,3% năm 2003 lên 26,4% năm 2010.
Phương pháp này được áp dụng trong các trường hợp như người từng bị ung thư vú, người có đột biến gene BRCA 1-2, tiền sử gia đình có người ung thư vú và buồng trứng. Người từng xạ trị vùng ngực khi dưới 30 tuổi, ung thư vú tiểu thùy tại chỗ hoặc xâm lấn, ung thư vú giai đoạn sớm dưới 40 tuổi thể tam âm... cũng được chỉ định đoạn nhũ phòng ngừa.
"Phẫu thuật đoạn nhũ phòng ngừa đối bên không bảo vệ người bệnh 100% khỏi ung thư ở bên ngực còn lại", bác sĩ lưu ý. Phương pháp này cũng không cải thiện tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư khi đã phát hiện và không ảnh hưởng đến các phương pháp hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch cho người bệnh ung thư.
Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2022, ung thư vú vượt qua ung thư phổi, gan, đứng đầu về ca mắc mới tại Việt Nam, với gần 25.000 trường hợp, hơn 10.000 người tử vong. Ung thư vú chiếm gần 29% tổng số ca ung thư ở nữ giới, tức khoảng ba phụ nữ mắc ung thư thì có một người bị ung thư vú.
Nguyễn Trăm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |