Ráy tai là một phần của cơ thể, được tạo ra bởi các tuyến ráy tai, tuyến bã nhờn trong ống tai. Ráy tai có tác dụng chống vi khuẩn, chống nấm, giữ ẩm cho các ống tai, ngăn kích ứng khi gặp nước.
Chất này có thể ở dạng sáp hoặc ướt, thường có mùi, màu khác nhau. Màu sắc, độ đặc, lượng ráy tùy thuộc vào nhiều yếu tố như nhiễm trùng, chấn thương di truyền. Màu sắc ráy tai biểu thị một số tình trạng sức khỏe nhất định.
Màu trắng, vàng hoặc cam: Ráy tai người khỏe mạnh có thể thay đổi từ màu trong, đục đến màu cam, hơi nâu dày đặc hoặc có xu hướng nhờn. Màu sắc trong các trường hợp này thường không biểu thị bệnh tật.
Màu vàng hơi ướt, trắng đục: Các ống tai tối, ẩm ướt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn như nấm phát triển gây nhiễm trùng tai ngoài. Tai chảy dịch giống như sữa màu vàng, cảnh báo nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài dịch tiết màu vàng đục, bạn có thể cảm thấy khó chịu ở các mức độ khác nhau, đau, đỏ tai do vi khuẩn. Một số nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng tai ngoài như nước vào ống tai, vi khuẩn, hơi ẩm trong tai.
Đỏ hoặc đen: Nguyên nhân có thể do máu chảy trong ống tai, đông lại thành sáp, dễ bong tróc. Theo Hiệp hội Khiếm thính Mỹ, một số tình trạng da như viêm giác mạc, viêm da, chàm, bệnh vẩy nến tạo ra sáp khô, bong tróc có màu đen.
Ráy tai ướt bất thường: Theo Hiệp hội Khiếm thính Mỹ, dịch tiết ướt ở tai có thể lành tính, thường gặp nhiều người. Tuy nhiên, ráy tai bình thường ở dạng sáp bỗng chuyển sang ướt có thể do nhiễm nấm.
Nhiễm nấm thường không gây đau, dịch tai ướt không có mùi hoặc màu. Tình trạng có thể kéo dài nhiều tuần đến vài tháng trở lại bình thường. Người bệnh nên đến chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ tư vấn cách giúp làm thông thoáng tai, điều trị phù hợp.
Ráy tai quá nhiều: Tình trạng này có thể do di truyền. Tích tụ ráy tai dễ hình thành nút tai, gây ra các vấn đề sức khỏe như mất thính lực, đau, chóng mặt, ù tai. Nên đến phòng khám tai mũi họng để lấy ráy, không tự can thiệp tại nhà vì dễ xảy ra biến chứng.
Không nên sử dụng tăm bông cho vào tai. Nếu giật mình hoặc thực hiện một chuyển động đột ngột, tăm bông dễ bị đẩy vào màng nhĩ dẫn đến mất thính giác. Sử dụng tăm bông khiến ráy tai kẹt trong ống tai nhiều gây tắc nghẽn, làm xước ống tai hoặc màng nhĩ chảy máu.
Anh Chi (Theo Livestrong)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |