Trả lời:
Bánh chưng, bánh tét, xúc xích, lạp xưởng, gà luộc, giò, chả, dưa, hành... là những món ăn quen thuộc trong ngày Tết. Nhiều gia đình có thể không dùng hết các món ăn đã chuẩn bị cho Tết.
Để giữ cho thực phẩm an toàn, không nhiễm vi khuẩn, gia đình nên đóng gói và bảo quản lạnh tất cả món ăn dễ hỏng trong vòng hai giờ sau khi dùng bữa. Với bánh chưng, bánh tét, bạn có thể bọc từng lát nhỏ bằng màng bọc thực phẩm, cho vào ngăn đông. Khi ăn, bạn chỉ cần lấy ra chiên, hấp hoặc để vào lò vi sóng.
Bạn có thể chế biến thịt gà lại bằng cách rang với gừng để ăn cơm, nấu cháo, làm gỏi hoặc nấu súp gà cho bữa sáng. Món mặn đã nấu chín như giò chả, thịt luộc cũng nên được đựng trong hộp đựng nông, nhỏ để nguội nhanh, bảo quản an toàn trong tủ lạnh 3-4 ngày.
Gia đình bạn cũng có thể đông lạnh những món không dùng ngay. Lưu ý phương pháp này không áp dụng cho trứng luộc chín, trứng chiên, mì ống nấu chín hoàn toàn và rau xà lách. Những thực phẩm này có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn salmonella, khiến dạ dày khó chịu.
Khi không ăn hết hải sản và cá, bạn nên nhanh chóng cho chúng vào ngăn đông mềm, dùng trong vòng ba ngày. Nếu để lâu, hải sản sinh độc chất histamin, gây dị ứng, nguy hiểm cho sức khỏe. Không nên để đồ ăn thừa quá lâu trong tủ lạnh hoặc kéo dài thời gian bảo quản lên vài tuần vì có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của gia đình.
BSCKI. Đào Thị Yến Thủy
Trưởng Khoa Dinh dưỡng Tiết chế
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |