Bác sĩ Hồ Tấn Thông, Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người mắc bệnh thận đang ở mức báo động và có xu hướng tăng cao. Mỗi năm có khoảng 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận. Bệnh lý này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng sống, tính mạng của hàng triệu người.
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến chức năng của thận. Nếu uống mất cân bằng, uống nhiều rượu bia, thuốc lá có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về thận, đồng thời khiến bệnh tiến triển nặng hơn với người đang bị thận yếu. Cơ thể có thể ứ đọng các sản phẩm chuyển hóa từ nitơ, rối loạn điện giải, cân bằng nước, axit bazơ. Do đó, chế độ ăn uống của người bệnh thận phải hết sức chú ý, không làm bệnh tiến triển nặng, giúp giảm sự mệt mỏi và tăng chất lượng sống.
Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo đầy đủ, cân đối 4 nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, tăng rau củ, trái cây giàu vitamin và khoáng chất, các chất chức năng bảo vệ tế bào và hỗ trợ sửa chữa các tổn thương. Đồng thời, người bị bệnh thận cần hạn chế các thực phẩm chứa nhiều natri, kali, kali, photpho, canxi có trong các loại thịt nguội, xúc xích, khoai tây chiên, bánh snack, các loại mắm, đồ muối chua, thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, nước ngọt, bia rượu, và một số rau củ như chuối, măng, đậu tương...
Dưới đây là một số thực phẩm dành cho người thận yếu, giúp thận hoạt động khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.
Cá béo: Bao gồm cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi... chứa nhiều axit béo Omega-3. Chất béo này rất tốt cho sức khỏe tổng thể, giúp giảm lượng chất béo triglyceride trong máu cũng như giảm huyết áp cao.
Súp lơ trắng: Đây là loại rau chứa nhiều chất xơ và nhiều dưỡng chất như: vitamin C, B6, B9 và một số hợp chất khác giúp trung hòa một số độc tố, là trợ giúp quan trọng khi thận không thực hiện việc lọc chất độc tốt nữa. Tuy nhiên, bên cạnh những dưỡng chất tốt cho thận thì thực phẩm này còn có chứa kali và phốt pho nên cần ăn với lượng vừa phải 1-2 lần/tuần.
Táo: Quả này hứa nhiều chất xơ, chất chống chống oxy hóa nên có thể giúp cơ thể giữ mức cholesterol và lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh. Ngoài ăn táo trực tiếp có thể làm giấm táo, giúp làm tan sỏi hoặc những cặn lắng có trong thận, mà lại không gây hại hay làm kích ứng lớp màng của thận.
Lòng trắng trứng: Lòng đỏ trứng chứa nhiều dưỡng chất bổ dưỡng nhưng lại chứa nhiều cholesterol và có hàm lượng phốt pho cao không tốt cho thận. Trong khi đó, lòng trắng trứng cung cấp nhiều protein chất lượng cao và các amino axit thân thiết với thận. Vì vậy, đây là lựa chọn tốt cho người bị bệnh thận.
Bắp cải: Đây là thực phẩm chứa nhiều chất xơ, vitamin K, C, vitamin B6 và axit folic dồi dào, nhưng hàm lượng kali, natri và phốt pho thấp nên rất phù hợp và tốt cho thận. Ngoài ra, bắp cải còn được coi là thực phẩm lý tưởng giúp thanh lọc máu và thải độc cho thận.
Ớt chuông: Còn gọi là ớt ngọt, thực phẩm này chứa rất nhiều lycopene, vitamin C, A, B6, acid folic và chất xơ. Tuy nhiên, hàm lượng kali không cao, ớt chuông là thực phẩm tốt cho thận, vừa cung cấp những dưỡng chất tốt vừa có tác dụng thanh lọc máu, đào thải acid uric dư thừa từ thận.
Quả nam việt quất: Đây là loại quả có chứa chất dinh dưỡng thiết yếu và các chất chống oxy hóa rất tốt cho đường tiết niệu và thận, giúp ngăn ngừa vi khuẩn bám vào niêm mạc đường tiết niệu và bàng quang, ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Ngoài ra, quả nam việt quất còn chứa quinine - một hợp chất có thể chuyển đổi thành acid hippuric giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.
Dưa hấu: Là loại trái cây giúp thanh lọc, giải độc cho cơ thể, bằng cách loại bỏ chất dư thừa, giúp thận hoạt động khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, dưa hấu có chứa nhiều kali nên không nên sử dụng quá nhiều.
Củ cải trắng: Thực phẩm này chứa nhiều vitamin C, cùng hợp chất tự nhiên của củ cải có tác dụng cải thiện sức khỏe của quả thận. Chúng đóng vai trò như một chất tẩy rửa tự nhiên giúp loại bỏ các độc tố khỏi cơ thể, chống viêm, bảo vệ thận.
Ngoài những thực phẩm cần hạn chế và tăng cường, bác sĩ Tấn Thông lưu ý thêm, người bệnh thận là cần nêm nếm nhạt, vì ăn nhiều muối sẽ làm thận hoạt động vất vả, tổn thương nhiều hơn. Lượng muối mà người trưởng thành sử dụng là 5g/ngày. Với những người bị bệnh thận chỉ nên dùng 2-4g/ngày.
Cần chú ý lượng chất đạm nạp vào cơ thể, tùy vào cân nặng và hoạt động, cũng như mức độ bệnh của từng người mà bổ sung đạm cho phù hợp. Trung bình một người trưởng thành nên bổ sung 1,1-1,3g/kg mỗi ngày, người suy thận giai đoạn 4-5 hoặc người bệnh tiểu đạm nên ở mức 0,8g/kg mỗi ngày. Trong đó đạm động vật chỉ nên chiếm 50% tổng nhu cầu đạm, mức đạm chiếm 13-20% tổng nhu cầu năng lượng hàng ngày.
Quyên Phan