Hói đầu là tình trạng tóc rụng nhiều, số lượng tóc mọc ra ít hơn so với tóc rụng đi khiến cho nhiều mảng da đầu trống, trơn láng, không nhìn thấy nang lông.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nam và nữ đều có thể hói đầu, nhưng gặp nhiều hơn ở nam giới, có liên quan đến yếu tố gene (di truyền). Các triệu chứng điển hình gồm tóc mỏng dần trên đỉnh đầu, nam giới có đường chân tóc dần lùi về phía sau đầu, còn tóc nữ giới thưa dần từ đường rẽ ngôi.
Hói đầu có thể điều trị, giúp tóc mọc lại, theo bác sĩ. Tùy nguyên nhân và tình trạng mỗi người, bác sĩ tư vấn, đưa ra phác đồ phù hợp. Người bệnh cần kiên trì và có thể phải thử một hoặc nhiều loại để đạt được kết quả.
Bác sĩ Bích cho biết có 4 phương pháp điều trị hói đầu phổ biến gồm:
Uống hoặc bôi thuốc tây: Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt hai loại thuốc để điều trị chứng hói đầu ở nam giới có thành phần minoxidil và finasteride.
Các thuốc này có dạng bôi ngoài da hoặc viên uống, khuyến cáo sử dụng hàng ngày và cần ít nhất 3-4 tháng hoặc một năm để thấy kết quả. Kết quả cũng phụ thuộc vào cách sử dụng thuốc và liều lượng. Người bệnh cần duy trì sử dụng thuốc lâu dài. Tóc sẽ tiếp tục rụng nếu ngừng thuốc.
Cấy tóc: Đây là thủ thuật y khoa xâm lấn, có hai dạng cấy tóc điều trị hói đầu di truyền là cắt dải nang tóc và chiết cụm nang tóc.
Cắt dải nang tóc phương pháp tách rời một mảng da đầu có nang tóc khỏe mạnh (thường là vùng phía sau đầu, nơi có nhiều tóc). Phần da này sau đó được chia thành nhiều mảnh nhỏ và ghép vào phần bị hói.
Chiết cụm nang tóc được thực hiện bằng cách lấy các nang tóc khỏe mạnh ra khỏi da đầu, sau đó tạo các lỗ nhỏ trên vùng da nơi tóc rụng nhiều và cấy nang tóc vào đó. Nhờ vậy, tóc mọc đều trên cả da đầu.
Bác sĩ Bích cho biết phương pháp này có hiệu quả lâu dài, tóc mọc tự nhiên. Tuy vậy, người bệnh có thể phải cấy nhiều lần trong khi chi phí khá cao và hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào tay nghề của bác sĩ phẫu thuật.
Laser năng lượng thấp: Sử dụng tia laser với xung năng lượng cực thấp giúp tăng tuần hoàn máu ở da đầu và kích thích nang tóc phát triển. Theo bác sĩ Bích, đây là phương pháp ít xâm lấn, dễ thực hiện và rất ít tác dụng phụ. Hiệu quả điều trị khác nhau tùy theo cơ địa mỗi người. Laser giúp kích thích những nang tóc còn lại trên da đầu nhưng không có tác dụng với các nang tóc đã mất.
Chữa bằng lăn kim hoặc tiêm vi điểm: Dùng cây lăn hoặc bút lăn hoặc tiêm thuốc vi điểm vào da đầu vùng hói. Thuốc được tiêm là thuốc kích thích mọc tóc, huyết tương giàu tiểu cầu hoặc tế bào gốc exosome (có nguồn gốc từ tế bào nội sinh trong cơ thể).
Bác sĩ Bích lưu ý một số phương pháp điều trị hói đầu có thể không phù hợp với mọi người, gây phản ứng dị ứng. Người bệnh nên hỏi bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Anh Thư