Theo ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư, Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, corticoid là thuốc kháng viêm, giảm đau và chống dị ứng, được sử dụng trong điều trị một số bệnh như hen suyễn, viêm khớp, phổi tắc nghẽn mạn tính, các bệnh về da (chàm, viêm da cơ địa...).
Da nhiễm corticoid là tình trạng da bị tổn thương, mài mòn, viêm nhiễm mạn tính do lạm dụng sản phẩm chăm sóc da, thuốc bôi chứa corticoid hoặc dẫn xuất của chất này trong thời gian dài.
Sử dụng sản phẩm chứa thành phần corticoid với hàm lượng cao giúp da nhanh trắng, mờ thâm nám, mờ tàn nhang. Tuy nhiên, lạm dụng khiến da teo, tổn thương hàng rào bảo vệ, dễ viêm nhiễm (tác dụng phụ của thuốc). Ngưng thuốc đột ngột khi tình trạng cải thiện gây phản ứng ngứa, châm chích, chảy dịch... Người bệnh lo sợ và dùng corticoid trở lại, dẫn đến lệ thuộc corticoid.
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, đánh giá mức độ tổn thương, có phác đồ điều trị phù hợp. Trước tiên, bác sĩ điều chỉnh lại thời gian dùng corticoid và giảm dần đến khi da quen với việc không sử dụng nữa.
Một số thuốc kháng viêm, kháng sinh hoặc kháng histamin được kê giúp giảm triệu chứng. Bác sĩ có thể kết hợp các phương pháp tiêm vi điểm, sử dụng chế phẩm huyết tương giàu tiểu cầu, kem dưỡng ẩm hoặc vitamin có đặc tính chống oxy hóa để da nhanh phục hồi.
Khi da xuất hiện nhiều mao mạch li ti, ửng đỏ, nóng và châm chích, bác sĩ sử dụng laser làm co các mạch máu, giảm đỏ, đồng thời tăng sinh collagen, cải thiện teo da do corticoid. Trường hợp da xuất hiện mụn, bác sĩ sử dụng công nghệ ánh sáng sinh học với cường độ năng lượng cao để diệt vi khuẩn, giảm hoạt động của tuyến bã nhờn.
Bên cạnh điều trị theo phác đồ, cần làm sạch da mặt hằng ngày để loại bỏ bụi bẩn, dầu nhờn. Da nhiễm corticoid thường yếu, nhạy cảm, không nên rửa mặt nhiều lần trong ngày. Chọn sữa rửa mặt dịu nhẹ, kem dưỡng phục hồi phù hợp với da mụn, nhạy cảm.
Người bệnh cần hạn chế sử dụng sản phẩm chăm sóc da có tính tẩy rửa mạnh. Không dùng mỹ phẩm làm trắng da không rõ nguồn gốc khi da đang tổn thương. Nếu bắt buộc phải trang điểm, nên chọn loại từ thiên nhiên và phù hợp với da nhạy cảm.
Không chạm tay vào vùng da đang kích ứng. Tránh chà xát để hạn chế tổn thương lan rộng. Bôi kem chống nắng chứa kẽm oxide có chỉ số SPF từ 30 trở lên, kết hợp đội mũ rộng vành, mặc áo khoác, mang bao tay, khẩu trang để bảo vệ da.
Bổ sung trái cây, rau xanh, uống nhiều nước để cung cấp độ ẩm cho da. Hạn chế món ăn nhiều dầu mỡ, đồ đóng hộp, cay nóng, chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá...). Tránh tiếp xúc với môi trường quá nóng hoặc quá lạnh, ô nhiễm, nhiều khói bụi.
Theo bác sĩ Anh Thư, sản phẩm chứa corticoid được bán rộng rãi trên thị trường, mọi người có thể mua và sử dụng với mục đích khác nhau. Tuy nhiên, sử dụng mỹ phẩm chăm sóc da không rõ nguồn gốc trong thời gian dài, tự ý tăng liều lượng có thể khiến da nhiễm corticoid. Người bệnh nên đến bác sĩ khoa Da liễu - Thẩm mỹ da khám để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Mai Hoa
Độc giả gửi câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |