Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chế độ ăn thuần chay cắt giảm hoàn toàn chế phẩm từ động vật nên người ăn hấp thụ ít chất béo bão hòa, cholesterol không lành mạnh, tiêu thụ nhiều chất xơ hơn. Nhờ đó, cơ thể tăng cường miễn dịch và trao đổi chất, giảm nguy cơ mắc một số bệnh như tim mạch, tiểu đường type 2, béo phì, chuyển hóa, tiêu hóa, ung thư... Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, chế độ ăn chay thiếu khoa học, không cân bằng các nhóm chất tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
Khả năng hấp thụ kém do một số chất dinh dưỡng trong thực phẩm từ nguồn gốc thực vật có thể khó hấp thụ hơn so với động vật. Chẳng hạn sắt và kẽm từ thực vật không dễ hấp thu như từ thịt.
Thiếu hụt dinh dưỡng do cơ thể không hấp thụ đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Đa số loại thực phẩm nguồn gốc thực vật cung cấp chất đạm có giá trị sinh học không cao, hàm lượng vi chất thấp hơn so với thực phẩm từ động vật. Đó là những dưỡng chất quan trọng với sự phát triển xương, não bộ và hệ miễn dịch của trẻ như protein, sắt, canxi, vitamin B12, A, D, kẽm, omega-3 (DHA). Thức ăn giàu đạm thực vật cũng thường thiếu một số axit amin thiết yếu như lysine, threonine, tryptophan, methionine.
Nếu bé không cân đối khẩu phần, ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm thiết yếu, ăn chay kéo dài dễ thiếu vitamin, vi chất, thiếu máu, hạn chế chiều cao, ảnh hưởng sự hoàn thiện của các nơron thần kinh, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.
Thiếu năng lượng do nhiều loại thực phẩm chay ít chất béo, nhiều chất xơ. Trẻ ăn nhanh no nhưng lượng calo hấp thụ ít, gây thiếu cân.
Khó kiểm soát cân nặng nếu áp dụng chế độ ăn thiên lệch món giàu đạm, đường bột, chất béo, ăn ít trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt... Điều này gây mất cân đối khẩu phần, tăng hàm lượng chất béo bão hòa, chuyển hóa có hại từ món chiên rán với dầu sử dụng nhiều lần. Trẻ dễ dư thừa năng lượng, tăng nguy cơ thừa cân. Một số món ăn chay chế biến sẵn chứa nhiều calo, đường, chất béo và muối. Nếu nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng, chưa được kiểm định chất lượng, có thể gây nguy hại sức khỏe.
Kém phát triển vị giác khi chế độ ăn chay không hợp lý, trẻ không có cơ hội trải nghiệm nhiều loại hương vị khác nhau. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển vị giác.
Nguy cơ dị ứng khi tiếp xúc với các thực phẩm chứa đạm thực vật như đậu nành, đậu phộng... Trẻ bị dị ứng thực phẩm dễ ảnh hưởng đến tiêu hóa, khả năng hấp thụ dinh dưỡng.
Bác sĩ Trà Phương lưu ý trẻ cần được ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm cân bằng gồm chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trong đó nguồn đạm động vật quan trọng, nên chiếm hơn 60% tổng năng lượng đạm của cơ thể. Nếu gia đình quyết định cho con ăn chay, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng. Cha mẹ nên cân nhắc cho con tập ăn linh hoạt (flexitarian), bổ sung thêm đạm động vật khi cần hoặc chỉ ăn thuần chay trong 1-2 ngày một tuần, đảm bảo cân đối nguồn dinh dưỡng động và thực vật.
Trẻ cần ăn đa dạng thực phẩm 15-20 loại khác nhau, ưu tiên nhiều loại rau, củ. Chế độ ăn chay sử dụng trứng, sữa giúp cơ thể cân bằng protein tốt hơn. Phương pháp chế biến như hấp, luộc, trộn thay vì chiên, xào, nướng... giảm nguy cơ thừa cân, béo phì, bệnh lý liên quan. Phụ huynh nên lựa chọn kỹ nguồn tinh bột từ ngũ cốc nguyên hạt do có hàm lượng chất xơ, vitamin, khoáng chất cao. Bác sĩ Trà Phương gợi ý một số vitamin và khoáng chất, cách chọn thực phẩm khi ăn chay.
Protein có tác dụng xây dựng, duy trì cơ bắp, các cơ quan và hệ thống miễn dịch. Ngoài trứng, sữa, dưỡng chất này có trong đậu Hà Lan, đậu lăng, quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt.
Vitamin B12 cần thiết cho sự phát triển của hệ thần kinh, sản xuất các tế bào hồng cầu, ngăn ngừa thiếu máu. Các sản phẩm từ đậu nành chứa nhiều hàm lượng vitamin này.
Kẽm hỗ trợ hệ miễn dịch, chuyển hóa tế bào và tạo protein. Thực phẩm thực vật chứa kẽm như phô mai và sữa chua, ngũ cốc nguyên hạt, đậu nành, đậu lăng, mầm lúa mì.
Sắt giúp tạo máu, vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khoáng chất này có nhiều trong đậu Hà Lan, đậu lăng, rau lá xanh đậm, trái cây sấy khô, ngũ cốc nguyên hạt. Bữa ăn có thêm các thực phẩm giàu vitamin C như trái cây họ cam quýt, ổi, dâu tây, cà chua... để hỗ trợ hấp thụ sắt.
Canxi và vitamin D giúp cho xương và răng chắc khỏe. Xương phát triển nhanh trong những năm thiếu niên. Ngoài sữa và các chế phẩm từ sữa, cha mẹ có thể bổ sung thêm canxi cho trẻ qua thực phẩm chế biến từ rau xanh đậm, ngũ cốc, đậu phụ.
Omega-3 tốt cho sức khỏe tim mạch, cải thiện thị lực, tăng cường trí nhớ, khả năng tập trung, phát triển tư duy của trẻ. Các thực phẩm giàu omega-3 như dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu hạt lanh...
Trường hợp cần thiết có thể bổ sung các vi chất như vitamin B12, omega-3, vitamin D, sắt, kẽm, canxi, magie, taurine... cho trẻ bằng từ nguồn thực phẩm chức năng theo chỉ định của bác sĩ.
Phụ huynh nên theo dõi sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ. Khi ăn thuần chay, trẻ nên được bác sĩ chuyên khoa nhi và dinh dưỡng định kỳ. Trẻ có những dấu hiệu thiếu chất như rụng tóc, chán ăn, ngủ không sâu giấc, da xanh xao, kém tập trung, đổ mồ hôi trộm... cần khám ngay. Cha mẹ cho trẻ ngủ đủ giấc, đúng giờ, rèn luyện thể dục tăng cường thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày... để phát triển toàn diện.
Trịnh Mai