Trả lời:
Điếc một bên tai là tình trạng mất thính lực thần kinh giác quan một bên tai, khiến người bệnh không thể nghe. Điếc được chia làm nhiều mức độ tùy vào khả năng nhận dạng âm thanh. Bệnh có thể do bẩm sinh, bộc phát đột ngột, phát triển dần từ nhẹ đến nặng.
Bất thường ốc tai, chấn thương xương thái dương, bệnh meniere, bệnh schwannoma tiền đình, thiếu máu cục bộ mạch máu, rối loạn tự miễn, nhiễm trùng có thể gây điếc một bên tai.
Trường hợp của bạn bị mất thính lực một bên do điếc đột ngột nên điều trị sớm. Tùy vào nguyên nhân, mất thính lực đột ngột có thể kèm theo ù tai và các triệu chứng tiền đình. Trong một số trường hợp, điều trị bằng thuốc có thể giúp phục hồi thính lực một phần hoặc toàn bộ nhưng cần nhiều thời gian.
Mất thính lực nặng xảy ra ở người cao tuổi thường khó điều trị khỏi hơn. Người bệnh có thể được phục hồi chức năng nghe một phần bằng các giải pháp nghe định tuyến, cấy điện cực ốc tai hoặc hệ thống điều chế tần số (FM).
Giải pháp nghe định tuyến là các phương pháp phục hồi thính lực truyền thống dựa vào việc định tuyến lại tín hiệu âm thanh từ tai nghe kém hoặc điếc sang tai có thính lực bình thường hoặc có thính lực tốt hơn để xử lý. Các giải pháp này bao gồm sử dụng máy trợ thính định tuyến tín hiệu theo bên (CROS) hoặc hệ thống thính giác dẫn truyền qua xương.
Cấy điện cực ốc tai (CI) là phương pháp kích thích điện trực tiếp đến tai bị điếc thông qua một điện cực đặt trong ốc tai bị suy giảm, kích thích tai để cải thiện thính lực.
Hệ thống điều chế tần số (FM) sử dụng sóng vô tuyến để gửi lời nói và các tín hiệu khác từ micrô trực tiếp đến máy thu. Máy thu có thể là một loa trường âm thanh hoặc các thiết bị trợ thính, ốc tai điện tử... Với hệ thống FM, người bệnh có thể nghe thấy giọng nói to và rõ ràng hơn khi có tiếng ồn xung quanh hoặc trong môi trường nghe dội âm hoặc âm thanh ở khoảng cách xa.
Để phòng ngừa giảm thính lực một bên tai, điếc một bên tai, mọi người cần tránh tiếp xúc với tiếng ồn thời gian dài, nhất là các tiếng ồn lớn. Bảo vệ tai khỏi các tác nhân nhiễm trùng như vi khuẩn, virus, sởi, vệ sinh tai sạch sẽ, đúng cách. Tuyệt đối không dùng tăm bông hay các vật dụng sắc nhọn để lấy ráy tai vì làm tăng nguy cơ chấn thương, nhiễm trùng, thủng màng nhĩ, dẫn đến nghe kém.
Người có biểu hiện nghe kém cần khám chuyên khoa Tai Mũi Họng sớm để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |