Theo TS.BS Đào Thị Yến Phi - nguyên Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; cố vấn cao cấp Hệ thống Phòng Khám Dinh dưỡng Nutrihome, dị ứng đạm sữa bò ở trẻ xảy ra khi các protein có trong sữa bò bị hệ miễn dịch trong cơ thể trẻ cho là thành phần có hại. Từ đó, cơ thể phản ứng lại bằng cách tự sản sinh ra các kháng thể miễn dịch IgE có tác dụng trung hòa các protein này (vì bị nhìn nhận là chất gây dị ứng).
Thông thường, có 2 loại protein chính trong sữa bò gây ra dị ứng là casein tìm thấy trong phần rắn (sữa đông) khi sữa đông vón lại. Thứ hai là whey, tìm thấy trong phần lỏng còn lại của sữa sau khi sữa đông vón lại.
Trong những lần tiếp xúc với đạm sữa bò tiếp theo, kháng thể miễn dịch sẽ báo cho hệ thống miễn dịch giải phóng histamin và các chất trung gian gây dị ứng khác, tạo nên các dị ứng phổ biến ở trẻ như: ngứa, nổi mề đay, phát ban, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy thậm chí gây sốc phản vệ.
"Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò có nguy cơ mắc một số bệnh lý dị ứng khác như: dị ứng với thực phẩm khác (trứng, đậu nành, đậu phộng, thịt bò, lạc...), viêm da cơ địa, hen và viêm mũi dị ứng. Do đó, trẻ cần được phát hiện và can thiệp kịp thời để đảm bảo trẻ có thể phát triển đạt chuẩn", TS.BS Đào Thị Yến Phi nói thêm.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị dị ứng đạm sữa bò
Theo TS.BS Đào Thị Yến Phi, trẻ bị dị ứng đạm sữa bò thường có những biểu hiện lâm sàng không rõ ràng. Nếu ba mẹ không chú ý hoặc chưa có thông tin chuyên môn thì sẽ khó nhận biết. Cách xác định chính xác trẻ bị dị ứng đạm sữa bò là phụ huynh nên đưa trẻ đi khám, làm các xét nghiệm liên quan.
Tuy vậy, thông thường nếu trẻ bị dị ứng đạm sữa bò thì có thể xuất hiện các dấu hiệu ngay sau khi uống sữa bò khoảng 2h hoặc sau 48h. Một số biểu hiện dị ứng đạm sữa bò ở trẻ như sau: khó thở, khò khè; sưng môi và mi mắt; nổi mề đay, phát ban khắp người; tiêu chảy, táo bón căng cứng vùng bụng. Đi tiêu phân lỏng hoặc có máu trong phân; thường xuyên trào ngược và ói; mệt mỏi kéo dài, có thể xảy ra thường xuyên trên 3 ngày mỗi tuần.
Những biểu hiện trên dễ khiến trẻ bị thức giấc nửa chừng, quấy khóc, mệt mỏi và có thể gây biếng ăn. Nghiêm trọng hơn, dị ứng đạm sữa bò cũng có thể gây sốc phản vệ và gây nguy hiểm cho tính mạng của bé.
Hện nay, chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân dẫn đến tình trạng dị ứng đạm sữa bò ở trẻ. Tuy vậy, theo TS.BS Yến Phi, dị ứng có tính di truyền nên trẻ em sẽ có nguy cơ cao bị dị ứng đạm sữa bò nếu bố mẹ có tiền sử mắc các bệnh dị ứng như sốt, ngứa hay dị ứng những loại thực phẩm.
Cách chăm sóc trẻ dị ứng đạm sữa bò
Kiêng sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò là việc làm ưu tiên hàng đầu ngay sau khi có kết quả chẩn đoán trẻ bị dị ứng đạm sữa bò. Đối với trẻ còn nhỏ, cách tốt nhất để phòng ngừa dị ứng đạm sữa bò là nuôi con bằng sữa mẹ. Với bé dưới 12 tháng tuổi dùng sữa là thức ăn chính, nếu sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu của bé thì có thể sử dụng thêm sữa công thức chứa đạm thủy phân tích cực từ 2 đến 4 tuần.
Đối với người mẹ, nếu bé bị dị ứng đạm sữa bò và vẫn đang còn bú mẹ thì mẹ cần kiểm soát những thực phẩm ăn uống hằng ngày. Sữa bò vẫn có nguy cơ xuất hiện trong thành phần các sản phẩm khác.
Dị ứng đạm sữa bò thường mang tính chất tạm thời, trẻ có thể khỏi bệnh hoàn toàn từ 1 đến 4 tuổi. Khi đó, mẹ có thể cho trẻ thử dùng lại các sản phẩm dinh dưỡng chứa đạm sữa bò nguyên vẹn. Nếu không thấy phản ứng nào xảy ra, bé có thể bắt đầu lại chế độ ăn bình thường với sữa bò và những chế phẩm từ sữa. Nếu con vẫn xuất hiện triệu chứng dị ứng sữa bò thì ba mẹ nên tiếp tục duy trì cho con dùng sữa công thức thủy phân toàn phần ít nhất từ 6-12 tháng.
"Những trẻ bị dị ứng đạm sữa bò cũng thường được khuyến cáo tránh sử dụng các loại sữa động vật khác, ví dụ đạm sữa dê cũng có thành phần tương tự như đạm sữa bò. Vì thế, bố mẹ không nên tự ý cho con dùng các sản phẩm sữa thay thế. Khi nghi ngờ bé bị dị ứng đạm sữa bò, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để làm xét nghiệm và chẩn đoán chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra cách xử trí hiệu quả", TS.BS Yến Phi nhấn mạnh.
Tú Quyên