Trả lời:
Ước tính cứ ba người thì có một người bị say tàu, xe, máy bay với mức độ khác nhau tùy thuộc vào từng thời điểm. Phụ nữ và trẻ em 5-12 tuổi thường gặp tình trạng này hơn.
Khi đi tàu, xe hoặc máy bay, các bộ phận cảm nhận chuyển động của cơ thể gồm tai, mắt, cơ và khớp gửi những thông tin trái ngược nhau đến não. Điều này khiến não không xác định cơ thể đang đứng yên hay chuyển động, gây ra các triệu chứng như đổ mồ hôi lạnh, chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn, thở nhanh hơn, không tập trung, tăng tiết nước bọt. Một số người say tàu xe nặng có thể nôn ói nhiều, nôn liên tục dẫn đến mất nước, hạ huyết áp.
Khi nghe nhạc, não bộ tập trung cảm nhận giai điệu của bài hát. Âm nhạc kích thích cơ thể sản xuất các loại hormone endorphin, dopamine, serotonin góp phần cải thiện tâm trạng, giảm cường độ của các triệu chứng liên quan đến buồn nôn, đau đầu do say tàu xe.
Bạn có thể chọn những bản nhạc thư giãn không lời, có tiết tấu chậm, giai điệu được lặp lại, tiếng ồn trắng như tiếng mưa, tiếng gõ, tiếng sóng vỗ, tiếng rì rào nhằm tăng hiệu quả thư giãn đầu óc, giải tỏa căng thẳng.
Người đi xe đường dài nên tránh đeo tai nghe liên tục bởi có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng tai, giảm thính lực và ù tai. Nên chỉnh âm lượng nhỏ, vừa đủ nghe và đảm bảo nhận được thông báo của nhà xe trên suốt hành trình.
Hạn chế vừa đeo tai nghe vừa xem điện thoại, xem phim, vì xe đang di chuyển có thể khiến bạn nhức đầu nhiều hơn. Nếu bạn tự lái xe tuyệt đối không đeo tai nghe vì dễ phân tán mất tập trung khi điều khiển phương tiện giao thông, nguy cơ gây tai nạn.
Người say tàu xe có thể sử dụng các hương thơm trị liệu như gừng, bạc hà, vỏ cam, quýt để giảm cảm giác đau đầu, say tàu xe. Chọn chỗ ngồi thông thoáng, gần cửa sổ, có thể hít thở thoải mái, thư giãn đầu óc hơn.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |