Xung quanh câu chuyện "Giáo dục 'bao lo'", độc giả Thiên Nam phản đối tư tưởng bao bọc con cái quá mức của nhiều bậc cha mẹ hiện đại: "Đây là một thực trạng tại Việt Nam, đặc biệt là ở các đô thị. Nhiều phụ huynh có suy nghĩ bản thân cả đời đã cực khổ, nên bây giờ để cho con sướng. Họ thay con cái làm mọi việc từ A đến Z mà không hiểu rằng chúng ta không thể ở bên chúng cả đời. Một khi không may chúng ta không còn nữa, con trẻ sẽ rơi vào cảnh chơi vơi, không có một bất kỳ một kỹ năng sống nào để tự tồn tại.
Tôi có hai đứa con nhỏ, năm nay một đứa vào lớp sáu, một đứa vào lớp bốn, nhưng chúng đã biết phụ cha mẹ việc nhà từ khi mới học lớp một, như quét nhà, rửa chén, dọn dẹp giường sau khi ngủ dậy. Mỗi chủ nhật, chúng tôi lại cùng nhau dọn nhà, mỗi người được phân công công việc cụ thể. Con lớn học trường gần nhà nên tự đi bộ hoặc đi xe đạp đi học (mặc dù chúng tôi ở thành phố). Nói chung, chúng ta hãy cho con một kỹ năng sống và kiến thức để chúng có khả năng tự nuôi sống bản thân khi trưởng thành. Để khi con không có ta bên cạnh, chúng vẫn tự tin, không lo lắng, hụt hẫng".
Đồng quan điểm, bạn đọc An Tư chỉ ra thực trạng nhiều thanh niên Việt không để sống tự lập: "Tôi đi học đại học, đã rất ngạc nhiên với nhiều bạn nữ ở các thành phố lớn không hề biết nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa, không dám đi ra ngoài một mình dù là ban ngày, môi trường an toàn. Các bạn chỉ làm tốt đúng một việc - học và học. Nhưng sau bốn năm, kiến thức áp dụng cũng không nhiều, các bạn lại phải lăn lộn với môi trường làm việc, có người rất hụt hẫng vì chẳng điều gì đúng như sách vở cả, có khi rất loay hoay.
Tôi may mắn khi được bố mẹ chăm lo cho cuộc sống và hỗ trợ khi trưởng thành, có một công việc ổn định. May mắn hơn khi bố mẹ cho tôi tự quyết định việc học, việc chơi, việc lựa chọn con đường của mình. Và 10 năm sau khi đi làm, tôi cảm thấy tự tin vào bản thân, dù còn nhiều khiếm khuyết và phải học hỏi thêm không ít. Giờ đây, khi đã có gia đình, tôi cũng muốn hai con có thể tự quyết định cuộc sống sau này. Đây là trách nhiệm của mỗi gia đình, cũng như cần rất nhiều sự trợ giúp từ các thầy cô, từ môi trường giáo dục ở cấp học nhỏ nhất".
>> Dạy con tự lập không phải 'ném con ra đường'
Độc giả Vu Tien cho rằng: "Khi sự bao bọc không còn nữa, những đứa trẻ của chúng ta sẽ tự phải tìm cách để giải quyết những việc mà trước đây được cha mẹ làm hộ, làm thay. Khi đó, chúng sẽ lớn và trưởng thành. Tuy nhiên, những việc khó, những việc có giá trị luôn đòi hỏi sự độc lập cao trong mỗi người. Do đó, xã hội càng nhiều người tự lập thì càng phát triển mạnh mẽ. Những người tự lập sau 18 tuổi đã trang bị cho mình đủ khả năng để sinh tồn, để phát triển và bắt đầu bơi ra biển, thay vì mất thời gian bập bẹ học lớn như các bạn khác. Bắt đầu nhanh hơn, khởi động sớm hơn, thì việc họ đi nhanh hơn cũng là điều đương nhiên. Đó là câu trả lời dành cho các bậc phụ huynh".
Giải thích rõ hơn về qua điểm dạy con tự lập thế nào cho đúng, bạn đọc Doan huyen chia sẻ: "Tôi đã trải qua bốn năm vật vã với thời kỳ tuổi teen của con để hiểu ra rằng: Để con tự lập khó hơn nhiều so với việc kèm chúng từng bước đi, từng miếng ăn, từng giấc ngủ. Đó là lý do phần đông phụ huynh chọn cách không rời mất khỏi con từ nhỏ đến lớn. Tuy nhiên, muốn con tự lập, không phải cứ để mặc chúng lớn lên như cỏ dại, cha mẹ cũng phải rất vất vả và cần học hỏi nhiều không kém. Tôi cũng cảm ơn những đứa trẻ bướng bỉnh vì chúng đã dám đấu tranh đòi quyền tự do, chính chúng đã cho cha mẹ nhiều kiến thức về xã hội hiện đại. Những năm tháng cùng con đi qua tuổi teen có lẽ là những trải nghiệm thú vị nhất trong cuộc đời của tôi".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Lê Phạm tổng hợp