Chia sẻ về các phương pháp giáo dục đặc biệt: để bé ba tuổi đi chợ một mình ở Nhật hay thanh niên 18 tuổi ra khỏi nhà ở các nước phương Tây để giúp trẻ tự lập từ sớm, nhiều độc giả VnExpress bày tỏ quan điểm cho rằng cha mẹ Việt không nên bắt chước rập khuôn mà bắt trẻ Việt phải học theo như robot:
Nhập gia tùy tục, đừng làm thái quá lên. Rất nhiều gia đình người Nhật đang sinh sống tại Việt Nam cũng không bao giờ dám cho con nhỏ tự đi ra đường phố, nhưng họ vẫn nói sống ở Việt Nam tốt hơn tại Nhật và không hề nuối tiếc. Trẻ nhỏ ở Nhật do sống trong môi trường an toàn nên việc phải có cách dạy chúng tự lập là cần thiết, nhưng khi ở Việt Nam thì không cần dạy trẻ đã tự hiểu và tự có các kỹ năng thế rồi.
Đồng ý là cần dạy con cách tự lập, nhưng không nên so sánh việc giáo dục con so với nước khác, đặc biệt là Nhật - một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất châu Á. Họ có rất nhiều điểm cộng trong giáo dục, nhưng không phủ nhận cái giáo dục của họ làm con người phải gồng mình trong cuộc sống và sống phụ thuộc nhiều vào đánh giá của người khác. Là một ông bố hai con, tôi không muốn con mình rơi vào cái tỷ lệ rủi ro đấy, cân đo đong đếm giữa "nắm lấy" để lo cho con và "buông tay" để con phát triển thôi, cái gì quá cũng không tốt.
Tôi từng làm trực tiếp với sếp ở một số công ty của Nhật Bản và đang làm cho công ty của Singapore. Cá nhân tôi thấy người Nhật cũng không quá hay ho như những gì mà đa số chúng ta hay ca ngợi. Nếu so với các sếp người Việt và Singapore tôi từng làm thì họ tốt hơn người Nhật rất nhiều, ít nhất thoải mái trong giờ giấc, quan tâm nhân viên và có thể đứng cùng bàn nhậu như hai người bạn. Còn sếp Nhật thì rất trọng trên dưới, dù chỉ trong bữa ăn, lại còn cực kỳ tiểu tiết, nói chung là quá gò ép một cách áp lực không cần thiết, cảm giác họ rất thích nói đạo lý và làm quá mọi chuyện. Chuyện con ba tuổi đi chợ một mình cũng là một sự làm quá. Tất nhiên tôi ủng hộ những cái hay như môi trường và khả năng chịu áp lực tốt của họ, tuy nhiên chúng ta không phải robot và sống để làm việc bán sống bán chết từ lúc ba tuổi.
Những suy nghĩ, suy luận về tuổi trẻ phương Đông, phương Tây tự lập, tôi nghĩ nên dựa trên thực tế. Tôi sinh ra, lớn lên, vào đại học ở Việt Nam, hiện tại đang ở Mỹ hơn 20 năm. Tự lập của tuổi trẻ Việt Nam, tôi nghĩ ai cũng có những người bạn làm gia sư, làm thêm... đó là miêu tả khả năng tự lập của thế hệ trẻ.
Thực tế, thanh niên 18 tuổi ở Mỹ không khác nếu so sánh với Việt Nam. Tuổi 18 đủ quyền quyết định trách nhiệm về mặt luật pháp. Đây là lúc tuổi trẻ và cha mẹ lo về phần giáo dục đại học. Tùy vào học lực và sở thích ngành học, tuổi trẻ có những lựa chọn trường nào, ở đâu? Nếu trường cách xa nhà, hoặc ngoài tiểu bang, thì sinh viên sẽ ở trọ. Ở nhà hay ở xa nhà, thì phần lo kinh phí vẫn có sự giúp đỡ của cha mẹ. Tùy theo thu nhập của cha mẹ, người con có thể được miễn học phí sáu năm, hoặc mượn tiền học 0% lãi suất trong sáu năm, hoặc cha mẹ lo tất cả. Nhìn chung, tất cả thanh niên ở Mỹ đều có điều kiện theo đuổi học đại học và sau đại học, chỉ có điều là họ có muốn đi học hay không?
Đây chỉ là một khía cạnh nhỏ về chuyện tự lập của tuổi trẻ. Trong xã hội, tất nhiên sẽ có những khác biệt, có những cá biệt. Chuyện tự lập có sự chịu ảnh hưởng của xã hội, và gia đình. Sự so sánh giữa phương Đông phương Tây, tôi nghĩ không có gì khác, cả hai đều dựa trên sự phát triển, tình nghĩa trong gia đình, và mong muốn một xã hội an lành nhân nghĩa và hạnh phúc".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Việt Thành tổng hợp