Năm 2015, trong lớp 12 tôi chủ nhiệm có Th., em là con một trong gia đình nên được cha mẹ hết mực cưng chiều. Dù đã 18 tuổi, nhưng hàng ngày mẹ Th. vẫn đưa rước con đều đặn tới trường. Vào buổi trưa, sợ con ăn bán trú không ngon, chị nấu cơm mang vào tận trường. Có những hôm, tôi nhìn thấy mẹ Th. Xách túi cơm đến trường, bày ra và ngồi chờ con ăn xong, chị dọn dẹp mang về. Chiều, khi tan ca học chính khóa, người mẹ đợi ở cổng, tiếp tục chở con đến chỗ học thêm và ngồi luôn gần đó suốt hai giờ đồng hồ để chờ đón con về.
Hành trình đó đều đặn mỗi ngày, suốt ba năm. Kể cả khi con chị đi chơi với bạn, đi sinh nhật, liên hoan lớp..., chị luôn là người đưa đón theo sát cậu.
Tôi có người bạn thân học chung tiểu học trường làng, bố mẹ cậu ấy cũng hết mực lo cho con. Ngoài việc học và chơi, cả tuổi thơ bạn tôi hầu như không đụng chân tay vào việc gì trong gia đình. Sau khi học xong cấp ba, vì lực học tương đối yếu nên gia đình đã lo cho cậu một chỗ trong trường cao đẳng ở Sài Gòn. Tốt nghiệp cao đẳng, bố mẹ tìm cho cậu một việc làm trong công ty xây dựng cầu đường.
Tất cả mọi việc trong cuộc sống của cậu gần 30 năm gần như theo một kịch bản đã được gia đình thiết lập sẵn. Đến khi mẹ cậu bị bệnh và qua đời, cậu bị chơi vơi. "Từ nhỏ đến lớn, tất cả mọi việc đều có mẹ lo nên giờ tao cũng không biết phải tự lập như thế nào", bạn tâm sự với tôi.
Hình như việc chăm con kiểu này là một "mô típ" không hiếm. Trong những ngày làm nhiệm vụ coi thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 tại TP HCM, tôi chứng kiến không ít hình ảnh của các bậc phụ huynh, thầy cô, người lớn lo lắng cho học sinh đi thi hệt như chúng là những đứa con nhỏ. Tại điểm thi trường THPT Lê Minh Xuân có một học sinh đi thi trễ. Sau khi điểm danh để báo cáo nhanh, thư ký báo có một thí sinh vắng. Một số thầy cô nháo nhào vì tiếc nuối cho em, có người dò tìm xem em ấy học trường nào để tìm cách gọi giáo viên, cha mẹ nhờ gọi em đến làm bài. Sau khi phát đề 14 phút, thí sinh nọ bước vào điểm thi với vẻ mặt bình thản: "em ngủ quên". Trong khi mọi người lớn đều tỏ vẻ vui mừng, không ngừng động viên "không sao đâu, bình tĩnh vào làm bài", em vẫn giữ vẻ mặt như đó là chuyện bình thường.
Bốn buổi thi tốt nghiệp, ngày trời mưa to, hôm thì nắng gay gắt, nhưng ngoài cổng trường luôn có hàng chục phụ huynh đứng đợi con. Có phụ huynh không dám rời khỏi cổng trường gần như cả ngày, mưa thì mặc áo mưa đứng đó chỉ vì sợ "con thi ra không nhìn thấy mình". Tôi thấy không ít em bỏ quên phiếu báo danh ở nhà, phải gọi phụ huynh mang lên điểm thi. Trong quá trình làm bài - dù được giám thị nhắc nhở thường xuyên nhưng các em vẫn quên ghi mã đề, số báo danh, số tờ, trang giấy thi. Có những thầy cô lo lắng đến nỗi điểm danh các em ngay từ cổng vào, không thấy em nào, ngay lập tức gọi cho cha mẹ.
Đành rằng chúng ta sẵn sàng làm mọi việc để đảm bảo cho các em có một kỳ thi thành công sau 12 năm học tập, nhưng bản thân tôi cảm thấy đó là hiện tượng hết sức đáng lo. Đối tượng mà chúng ta đang quan tâm ở đây là những thanh niên 18 tuổi. Tôi không nghĩ lứa tuổi đó được gọi là còn nhỏ. Các bạn sắp trở thành một phần quan trọng của xã hội, nhưng chưa thực sự chuẩn bị hành trang cho mình. Ngay cả chuyện quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT mà vẫn đi trễ, ngủ quên, không mang phiếu báo danh..., vẫn để bố mẹ lo lắng như thời mẫu giáo.
Nhiều người bảo, điều đó xuất phát từ tình yêu thương "vô bờ bến" của cha mẹ dành cho con cái. Nhưng liệu rồi chúng ta có buông được con mình ra khi chúng lớn hay vẫn làm hộ, lo tất tần tật ngay cả khi con sắp bước vào đại học? Tôi hỏi câu này bởi khi tiếp xúc với nhiều phụ huynh, trong vai trò là giáo viên, tôi thấy tư duy giáo dục, chăm con của nhiều người dường như không có nhiều thay đổi giữa các cấp học, lứa tuổi. Trong một số trường tôi biết cũng vậy, thầy cô hay làm thay trò mình, nhắc nhở chi li, thái quá trong mọi thứ dẫn đến các em thường đợi có người nhắc mới làm.
Tôi không nghĩ tất cả người trẻ đều bắt buộc phải trải nghiệm khó khăn để trưởng thành, hay chỉ ai trong điều kiện bất lợi mới phải bản lĩnh vươn lên. Tôi cho rằng người lớn có thể "tặng" trẻ em cách thức giáo dục giúp họ trưởng thành, tự lập, tự chịu trách nhiệm càng sớm càng tốt. Rất tiếc, có nhiều người đã không để con mình được lớn, ngay cả khi các bạn được xác định là "thanh thiếu niên". Tôi tìm thấy một nghiên cứu khoa học của sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội do TS Đặng Hoàng Giang hướng dẫn năm 2018, so sánh sự tự lập của người trẻ ở Đức và Việt Nam. Theo nghiên cứu, có 35% người Việt Nam cho biết họ cảm thấy "khá độc lập", 23% cho biết họ "phụ thuộc vào cha mẹ". Trong khi đó, 60% người Đức cho biết họ "khá độc lập" và 29% tiếp theo cho biết họ "cảm thấy hoàn toàn độc lập". Ở Việt Nam, câu trả lời này chỉ được đưa ra bởi 3% của thế hệ trẻ. Trong nghiên cứu còn chỉ rõ, có 73% người người Việt chịu ảnh hưởng của cha mẹ đến quyết định công việc tương lai, khoảng 50% chịu ảnh hưởng của cha mẹ đến các mối quan hệ xã và 82,7% bạn trẻ Việt Nam ở mọi lứa tuổi cho rằng cha mẹ của họ là "ngân hàng" nuôi sống họ.
Vì sao có sự chênh lệch đó, nếu không phải là vì ở Đức, người trẻ được chính gia đình và xã hội đòi hỏi tìm con đường riêng cho mình, cũng như tìm các giá trị và tiêu chí riêng để định hướng cho các kế hoạch, hành động của bản thân. Đồng thời tự chịu trách nhiệm với hành động của họ. Ở ta, vẫn còn tư tưởng "cha mẹ trực thăng", lúc nào cũng bay vè vè trên đầu đứa trẻ, làm mọi việc, thậm chí quyết định và sống thay chúng đã tạo ra một thế hệ các bạn trẻ thụ động. Sau này, ra trường, đi làm, lập gia đình, nếu có gì sai cũng có nơi đổ lỗi.
Tôi thấy giáo dục gia đình là nơi đầu tiên có thể giúp thay đổi lề thói này. Tôi tự hỏi, việc các em chưa trách nhiệm với cuộc sống của mình do chính em hay phụ huynh, thầy cô? Nếu người lớn làm mọi cách giúp các bạn đậu tốt nghiệp và xét vào đại học, các em có tự lập được đầy đủ với bản thân và xã hội? Ở trường, ngoài việc dạy kiến thức cho học sinh, tôi vẫn luôn dành thời gian để trò chuyện, nhắc nhở học trò của mình về lối sống độc lập, khuyến khích các em tự làm việc nhà, tự đi học thay vì đợi cha mẹ chở, tự chuẩn bị việc học, và hơn nữa tự chịu trách nhiệm về hành động cũng như quyết định của bản thân.
Khi tôi trao đổi chủ đề đó trong các lớp tôi dạy, các em học khá lắng nghe nhiều hơn. Nhóm học sinh học kém hơn có vẻ hờ hững, thậm chí có em còn ngủ gục trên bàn vì nghĩ rằng đây không phải nội dung bài học nên không cần nghe.
Gia đình và nhà trường chỉ hướng dẫn các em thực hiện mọi việc, nếu làm sai hoặc chưa đạt, ta có thể khuyến khích và chỉ cho em tự làm lại. Hay chí ít, để các em trải nghiệm cả những khó khăn, thử thách để tự xử lý, từ đó em có thêm kinh nghiệm để vượt qua nhiều khó khăn lớn hơn ở cả cuộc đời phía trước. Không làm hộ, sống hộ và dành thời gian chia sẻ, khuyến khích, đó là giáo dục đúng. Và nó tạo ra hành trình trưởng thành nơi con người.
Chúng ta đang khởi động năm học mới trong điều kiện sống và học tập "không bình thường mới". Nếu còn được "bao lo" từ người lớn, những đứa trẻ to xác của chúng ta sẽ chẳng bao giờ lớn. Tôi tin việc để học sinh ở mọi lứa tuổi dần tách rời sự trợ giúp của người lớn để tự khẳng định năng lực bản thân là một thành tích quan trọng của hệ sinh thái giáo dục gồm gia đình, nhà trường và xã hội.
Lê Văn Hiến