(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Vợ chồng tôi có hai con, bé trai chuẩn bị vào lớp hai, bé gái nhỏ sắp vào lớp mầm. Tôi kinh doanh các mặt hàng gia dụng tại nhà, chồng tôi điều hành công ty phần mềm. Tình cờ đọc bài viết "Dạy con kiểu Đông - Tây kết hợp" của tác giả Mía Đường, tôi nhận thấy mình đang áp dụng cách dạy con tương tự và xin chia sẻ đến các độc giả VnExpress.
Không ít khách hàng đến cửa hàng của tôi rất ngạc nhiên khi thấy hai con tôi phụ mẹ ghi giá cả và sắp xếp hàng hóa. Bé trai có thể ghi từ lúc biết viết số, còn bé gái thì dù ghi toàn rồng rắn, nhưng rất hứng thú khi được mọi người nhờ giúp. Tôi thường nhờ con trai nấu cơm (tôi sẽ giúp con cắm điện), rửa chén, quét nhà hoặc lấy quần áo trong máy giặt ra phơi... và những lúc anh hai làm việc đó thì em gái sẽ phụ giúp.
Thành công trong vui vẻ có, thành công trong cuộc chiến tranh công cũng có, thất bại trong những cuộc cãi vã cũng không thể không kể đến. Khi để các con làm giúp những việc vặt thế này, kết quả có khi không như người lớn mong đợi, hoặc cũng có khi ba mẹ phải thu dọn lại cho gọn gàng. Tuy nhiên, khi các con được làm cùng ba mẹ thì tình cảm gia đình thực sự được kết nối. Trong lúc làm cùng nhau, các con sẽ hỏi rất nhiều thứ mà các con không hiểu, ba mẹ có nhiệm vụ làm "từ điển bách khoa" cho con, dạy cho con thế nào là đúng - sai, và cũng không quên khen ngợi những thành quả các con đạt được. Đó cũng là cách hay để các con mở rộng vốn tiếng Việt lúc mới tập nói và các kiến thức xã hội ngoài nhà trường.
Tôi nhớ có lần xem một chương trình trên TV, khi giám khảo đặt câu hỏi cho một bạn nhỏ học lớp hai rằng: "trái nào sau đây không có hạt?". Trong loạt trái cây mà bạn nhỏ ấy chọn để trả lời có trái xoài. Khi đáp án chương trình là xoài có hạt (tất cả phụ huynh đều biết) thì bạn nhỏ kia giải thích rằng "chưa từng thấy hạt của trái xoài vì được mẹ gọt sẵn". Đối với gia đình tôi, khi ăn một món gì đó, các con sẽ được tham gia từ khâu chuẩn bị đến khi thưởng thức và tất nhiên là cùng nhau thu dọn cho sạch sẽ sau khi ăn xong.
>> Dạy con tự lập không phải 'ném con ra đường'
Vợ chồng tôi chọn cách để con tự làm những việc con có thể, chỉ hỗ trợ khi cần thiết. Tôi có một người bạn, con trai bạn bằng tuổi con gái tôi. Tuy nhiên, bạn rất hay làm giúp con, nên hơn ba tuổi mà bé vẫn chờ mẹ mang giày, thay quần áo hộ, thậm chí chờ "xi" khi muốn đi vệ sinh. Còn con gái tôi thì ngược lại, tự mang giày dép, tự thay quần áo, tự lắm và gội đầu (tất nhiên ba mẹ phải kiểm tra lại xem sạch chưa), khi muốn đi vệ sinh thì con nhờ ba mẹ bật đèn rồi tự xử lý và dội nước sạch sẽ. Nhiều người cứ khen con gái tôi tự lập, nhưng thực ra, tính tự lập đó phải rèn mới có được và khi mọi thứ thành thói quen thì các con không còn phụ thuộc vào người lớn nữa.
Về hoạt động giải trí của các con, chúng tôi chọn những hoạt động ngoài trời kèm phát triển kỹ năng. Từ khi các con còn trong bụng mẹ, đã được nghe nhạc, đọc thơ, kể truyện. Khi các con còn nhỏ, chúng tôi cũng hay hát, đọc thơ... cho bé nghe, mua những hình ảnh về động vật, hoa, trái cây dán quanh phòng để chỉ cho các con xem và dạy con nói theo. Chính vì vậy, các con được phát triển ngôn ngữ rất sớm so với bạn bè cùng tuổi. Đến lúc con lớn hơn, chúng tôi mua sách có kèm hình ảnh để con xem, dắt con vào nhà sách, để tạo thói quen thích đọc sách cho con.
Tối thấy vài trường hợp, các con khóc đòi mua đồ chơi tại cửa hàng và bắt ba mẹ mua cho bằng được. Đây cũng là một phản xạ có điều kiện được hình thành trước đó. Thực chất, các bé thường rất nhanh chán, mua một món đồ chơi mới về thì rất yêu quý, nhưng được vài hôm là chán và không thèm chơi nữa. Các con của chúng tôi, từ nhỏ đã quen được đưa vào nhà sách thay vì cửa hàng đồ chơi nên không đòi như vậy. Các con chỉ nhận được vài món đồ chơi mà cậu và dì tặng vào ngày sinh nhật nên rất yêu quý và chơi những món đồ đó rất lâu.
Chúng tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian đưa các bé đi đến các khu vui chơi để các bé chơi trò mình yêu thích, đến một số trang trại nơi mà người ta trồng trọt và chăn nuôi để trải nghiệm thực tế việc cho các con vật nuôi ăn uống, vuốt ve chúng... hoặc tự tay các con hái trái cây chín và thưởng thức. Điều đó làm các bé rất thích thú. Ở nhà, chúng tôi cũng làm chỗ trồng rau sạch, cho các con tự làm đất, gieo hạt, chăm bón và thu hoạch. Các con thực sự rất hào hứng với thành quả thu được.
Một vấn đề có thể hiện nay tất cả phụ huynh đều nhận ra là các bé hay nghiện TV, điện thoại và máy tính bảng... Tôi chắc chắn rằng có rất nhiều phụ huynh đọc bài viết này có con ham mê những thiết bị thông minh trên. Đây thực sự là một vấn đề không nhỏ làm ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và xử lý tình huống của trẻ nhỏ hiện nay. Từ lâu nay, khi chúng tôi dẫn các con đi tiệc hoặc ăn uống bên ngoài, thường thấy xung quanh mình nhiều bé đều được cầm một điện thoại để xem Youtube, hoạt hình, chơi game... Khi ba mẹ đút ăn thì bé chỉ há miệng ra ăn chứ không biết đó là thức ăn gì, khi có ai đó hỏi đến bé thì bé chẳng buồn nghe và trả lời. Một số bé thì khóc nấc để được xem tiếp điện thoại khi ba mẹ cất đi.
Trong khi đó, các con tôi cùng nhau bày biện thức ăn và cùng nhau thưởng thức. Gia đình tôi có nguyên tắc là nói không với thiết bị thông minh. Các con chỉ được xem TV trong vòng 30 phút mỗi ngày với chương trình hoạt hình và khoảng một giờ xem phim cùng ba mẹ (thường lúc xem phim các con chỉ xem phần quảng cáo và chơi những món đồ chơi khác). Còn điện thoại, các con chỉ được sử dụng khi gọi nói chuyện với ông bà ngoại ở xa. Các con không được phép sử dụng điện thoại của ba mẹ để xem hoạt hình hay chơi game như các bạn nhỏ khác.
>> 'Dạy con tự lập không bắt chước rập khuôn Mỹ, Nhật'
Trên một chuyến xe khách cả gia đình về ngoại, hai con tôi được học rất nhiều thứ. Các con liên lục hỏi về các thứ xung quanh: Xe cộ, cầu đường, các biển báo giao thông, những con vật, cây ăn trái dọc đường đi... trong khi các bạn khác trên xe mải mê ôm điện thoại, vừa xem vừa cười khúc khích, rồi lại lăn ra ngủ mà không biết gì về mọi vật diễn ra xung quanh. Một việc tôi thấy rất hay đó là khi một sự vật hay sự việc gì xảy ra, tôi hỏi con sao con biết, con sẽ trả lời "con từng thấy, từng gặp hay từng nghe..." trong lúc đi trên xe. Nếu các con mải xem điện thoại thì làm sao có thể liên tưởng đến những việc các con từng trải qua như vậy được.
Về học tập, tôi không ép các con phải nhồi nhét kiến thức, không chạy đôn chạy đáo học thêm như các bạn cùng lớp. Vì các con còn nhỏ, chúng tôi rèn thói quen cho con tự học, ôn lại kiến thức được cô giảng ở lớp và tuyệt nhiên không học trước chương trình. Nhưng tôi nghĩ, chính nhờ một phần là các con không xem các thiết bị thông minh nên bộ não không bị "đầy" và tiếp thu kiến thức từ các môn học ở lớp rất nhanh, lưu lại thông tin khá lâu so với các bé phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại, TV, máy tính...
Nuôi dạy con trẻ là việc hoàn toàn không dễ, chúng tôi chỉ mới làm được giai đoạn đầu, còn sắp tới các con sẽ lớn hơn, việc dạy con sẽ khó hơn rất nhiều. Nhưng với nền tảng ý thức như hiện nay, tôi tin sẽ giúp các con rất nhiều trong sự phát triển của giai đoạn tiếp theo. Qua đây, tôi muốn nhắn gửi đến các bậc ba mẹ đang có con nhỏ rằng hãy để các con làm các việc con có thể làm. Chúng ta là những người dẫn dắt các con chứ không làm giúp con con mãi được, đừng để con phụ thuộc vào người lớn quá nhiều. Và đặc biệt, hãy cố gắng hạn chế việc để các con sử dụng các thiết bị thông minh, tránh bị nghiện như các trường hợp tôi kể phía trên. Thay vào đó, hãy tạo môi trường cho các bé hoạt động, việc vệ sinh cá nhân hay việc nhà cũng rất cần thiết để hình thành tính tự lập của các bé.
>> Bạn ủng hộ quan điểm dạy con kiểu phương Đông hay phương Tây? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.
Dương Huyền Trân