(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tôi có hai con gái bốn tuổi và hai tuổi. Chúng là nụ cười, niềm vui và hạnh phúc của tôi mỗi ngày. Nếu theo cách dạy tự lập của phương Tây, tôi sẽ cho chúng tự ôm gấu bông hoặc gối, tự ngủ riêng mỗi tối. Nhưng tôi không làm vậy, vì tôi thích được nghe chúng ríu rít năn, nỉ tôi kể chuyện mỗi tối trước khi ngủ, thích chúng ôm chặt tôi bằng đôi tay bé xíu đáng yêu kia mỗi tối, thích chúng mở mắt ra là thấy tôi nằm cạnh cười toe toét hơn là để chúng tự ngủ một mình.
Những điều tuyệt vời đó chỉ có khi chúng còn nhỏ. Chẳng mấy chốc các con sẽ 18, 20 tuổi, lúc đó bạn có muốn cũng đâu được ôm con ngủ mỗi đêm? Hay dù tôi có muốn kể chuyện cho con thì chúng cũng đâu còn thời gian để nằm nghe và hỏi những câu rất ngây thơ như thuở bé. Và tôi cũng sẽ sẵn sàng đánh đổi tất cả để con được vui vẻ, được trưởng thành và trở thành người tốt. Tôi cũng sẵn sàng làm tất cả cho con nếu chúng cần tôi giúp đỡ. Vì đơn giản tôi là bố chúng.
Ở đâu có văn hoá ở đó. Phương Tây người ta đề cao chủ nghĩa cá nhân, ít có những câu chuyện về hiếu thuận. Khi về già, bố mẹ có bảo hiểm lo hoặc tự vào viện dưỡng lão để được chăm sóc và đó là việc bình thường của xã hội. Tuy nhiên, nếu ở Việt Nam mà làm thế thì con cái sẽ bị coi là bất hiếu. Cũng đúng thôi, bởi bố mẹ nai lưng ra làm cả đời để nuôi con cái trưởng thành. Có được bao nhiêu người trưởng thành mà không cần bố mẹ còng lưng nuôi thêm vài năm sau đại học? Mấy người tự mua nhà mà không cần nhờ bố mẹ bán bớt mảnh đất, vay hàng xóm ít tiền để đỡ thêm cho?
>> Dạy con tự lập kiểu Tây hay hiếu thuận kiểu ta?
Ở Việt Nam, nếu bố mẹ để kệ con tự lớn như phương Tây, thì chúng khó mà thoát khỏi "vũng bùn". Nhiều người nói có trường hợp vẫn thành công dù không có cha mẹ giúp đỡ, nhưng số đó rất ít. Cứ nghĩ đơn giản, ở Việt Nam, con cái lập gia đình, có con, đều cần có bố mẹ hỗ trợ, trông con giúp, nếu không thì các cặp vợ chồng trẻ rất khó xoay xở.
Con bác nông dân, ăn xong chỉ toàn nghe bố mẹ, hàng xóm bàn chuyện bón phân, trồng lúa, lớn lên thoát ly, không còn phải làm nông nữa là đã mừng lắm rồi. Còn con doanh nhân, từ nhỏ chỉ nghe bố mẹ bàn tính mua miếng đất nọ, xây căn hộ kia, quy hoạch cả thành phố ra sao, xu hướng cả thế giới sẽ thế nào, những thứ đó ngấm vào máu từ bé. Lớn lên, chúng cũng chỉ nghĩ đến những việc làm sao tạo ra cả đống của cải như cha mẹ chúng. Bố mẹ mà cứ ném con ra đường cho hiểu khổ, cho tự lập, không nai lưng định hướng, hỗ trợ con thì có đến vài đời nữa con cũng không thể phát triển được.
Bố mẹ con cái gần gũi, tình cảm, anh chị em sẵn sàng bán nhà lo cho nhau lúc hoạn nạn, văn hoá tốt đẹp như thế ở Việt Nam không nhiều nơi có được. Chúng ta nên lo giữ gìn, phát huy truyền thống đó thay vì chê bai, so sánh với cách sống của phương Tây.
>> Bạn ủng hộ quan điểm dạy con kiểu phương Đông hay phương Tây? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.