(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Đọc những bài viết về khác biệt trong việc dạy con giữa phương Tây và phương Đông vừa qua, tôi đồng ý với ý kiến không nên quá rạch ròi mà nên dung hoà sao cho phù hợp văn hoá cũng như lối sống. Xin chia sẻ về gia đình tôi, cụ thể là cách bố mẹ đã hướng dẫn tôi và chị gái nên người như hôm nay.
Bố mẹ tôi sinh hai con gái, chúng tôi đều là 9x đời đầu. Vì vậy, từ nhỏ tới lớn, rất nhiều lần chúng tôi nghe người khác hỏi chọc bố vì không có con trai, bảo bố mẹ "đẻ thêm đi". Bố tôi luôn trả lời thẳng với họ rằng: "Con nào cũng là con, sinh con không phải để có người thờ phụng hương khói, đã đẻ ra là mình có trách nhiệm nuôi nấng nên phải chuẩn bị cho con điều kiện tốt nên không đẻ nhiều, không thể để trời sinh voi sinh cỏ được". Nhờ vậy, tôi cũng được thấm nhuần tư tưởng, chỉ sinh con khi chắc chắn lo được cho con, không kỳ vọng gì hay đặt trách nhiệm lên con cái.
Tôi và chị gái đều được cho ngủ riêng khi lên ba tuổi, học cách tự vệ sinh cá nhân, tự dọn đồ chơi, giúp bố mẹ gấp quần áo đơn giản. Lên chín tuổi, mẹ dạy tôi rửa bát, dọn nhà, phụ mẹ nấu ăn đi chợ. Cả nhà cùng chia sẻ công việc, kể cả bố. Chúng tôi thường xem thời sự khi ăn tối, có gì không hiểu bố mẹ sẽ giải thích. Khi rảnh, tôi chơi game cùng bố, xem phim cùng mẹ, chị gái dạy cách xem giờ, học tiếng Anh. Không khí trong nhà cởi mở, con cái được khuyến khích nói chuyện với bố mẹ. Hàng năm, cả nhà cùng đi du lịch mở mang tầm mắt. Đến hiện tại, tôi vẫn cố gắng sắp xếp đưa bố mẹ đi chơi mỗi năm.
Bố mẹ không ép cũng không kèm tôi học tập. Cả tôi và chị đều được dạy tự giác, học để cho bản thân mình. Nếu không thích học có thể nghỉ, nhưng bố mẹ sẽ không nuôi nữa. Bố mẹ chỉ quan sát chúng tôi qua điểm số, điểm cao có thưởng, thấp thì hỏi lý do, lý do không chính đáng thì chịu phạt: cắt tiền tiêu vặt, không được đi chơi chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu có gì không hiểu, bố mẹ luôn khuyến khích chúng tôi hỏi, đặc biệt là không được giấu dốt.
Chị gái tôi đạt thành tích tốt, thi học sinh giỏi các cấp đều có giải. Tôi không được như vậy nhưng cũng là học sinh giỏi. Tuy tôi ham chơi hơn chị, không giỏi bằng nhưng không bao giờ bị so sánh. Tôi thích học võ, học vẽ hay làm gì đều được ủng hộ. Khi tôi bị bạn cùng lớp trêu chọc và bắt nạt, bố mẹ cho tôi đi học võ, dạy tôi cách phản kháng, đồng thời hỏi rõ câu chuyện xem liệu tôi có sai ở đâu không chứ không trực tiếp can thiệp.
Vào cấp hai, mẹ dạy tôi về giới tính, quan hệ tình dục an toàn. Khi đó, xã hội rất ngại nói về vấn đề này, nên tôi càng biết ơn mẹ đã giúp tôi trang bị đầy đủ kiến thức trước khi vào đời. Gia đình tôi rất quan trọng dịp sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới..., 8/3 và 20/10 nào bố cũng có hoa và quà cho ba mẹ con, từ khi tôi bé xíu tới tận bây giờ, khi đã 26 tuổi. Bố mẹ hướng dẫn tôi tự tiết kiệm tiền từ tiền tiêu vặt, ăn sáng để mua quà sinh nhật cho mọi người. Dù khi còn nhỏ tôi chỉ mua được con gấu bông, quyển sổ chiếc bút, ai cũng vẫn trân trọng và cảm ơn. Hiện tại, những dịp đó sẽ là lúc cả nhà đoàn viên, chúc mừng.
>> Trẻ Việt không thể bị 'ném ra đường' như trẻ Tây
Bố mẹ tôi không bao giờ to tiếng cãi vã trước mặt con. Cũng không có chuyện một người dạy con một người xen vào hay khuyên can. Nhìn cách bố mẹ đối xử với nhau và con cái, tôi học được rằng dù trẻ em hay người lớn, phái nào cũng cần được tôn trọng và chia sẻ. Không có ai phải hy sinh hay phục vụ ai hết, không có việc gì là chỉ dành cho một người, cảm thông và giúp đỡ nhau mới là quan trọng nhất.
Khi vào đại học, chúng tôi tự chọn ngành, chọn trường. Bố mẹ tôi để con tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình sau này. Tôi chỉ được chu cấp tiền học và sinh hoạt phí vừa đủ. Học xong đại học là thôi. Muốn mua sắm thêm hay du lịch, tôi phải tự kiếm tiền. Nhưng bố mẹ khuyến khích chúng tôi tìm việc làm thêm liên quan đến ngành học. Tôi tự làm CV, gửi email xin làm tập sự cho các công ty trong ngành, kể cả nơi không đăng tuyển, gửi 20 chỗ cũng có vài nơi nhận dù chỉ là sinh viên năm hai.
Hiện tại, chúng tôi đều tự lập, có công việc cuộc sống ổn định, không bao giờ tỵ nạnh nhau hay nghĩ tới việc nhờ cậy bố mẹ hoặc trông chờ được cho tài sản. Vì ai cũng hiểu rằng, thứ gì của ai là của người đó, cho ai hay không cũng là quyền của họ. Không chờ đợi thứ không phải của mình thì sẽ không có oán trách. Bố mẹ cũng không yêu cầu chúng tôi chu cấp hay chăm sóc, nhưng tôi vẫn tự thấy có bổn phận và hoàn thành. Tự bản thân tôi thấy may mắn vì đã được làm con của bố mẹ.
Hy vọng rằng các em nhỏ đều được hưởng sự quan tâm chăm sóc đúng cách, để chúng ra đời không bỡ ngỡ nhưng cũng không cô đơn. Tôi tin là nếu dành đủ thời gian và tình yêu, chuyện dung hoà Đông - Tây là hoàn toàn có thể.
>> Bạn ủng hộ quan điểm dạy con kiểu phương Đông hay phương Tây? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.