Tình hình tai nạn giao thông đường bộ trong những năm qua ở Việt Nam đã được giảm thiểu rõ rệt, đó là nhờ có những giải pháp đồng bộ, toàn diện. Thế nhưng, theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong năm 2022, nước ta vẫn để xảy ra 11.457 vụ tai nạn giao thông (trong đó đường bộ 11.323 vụ); làm chết 6.397 người (đường bộ 6.265 người); bị thương 7.804 người (đường bộ 7.777 người) và thiệt hại về giá trị tài sản rất lớn, đặc biệt là đã để lại những nỗi đau về thể xác, tinh thần cho bản thân, gia đình và xã hội không thể đo đếm được.
Từ những điều mà rất nhiều các chuyên gia trong và ngoài nước, những người tâm huyết chỉ ra và hiến kế về nguyên nhân và giải pháp, tôi xin đề xuất, bổ sung một vài ý kiến để Đưa Luật Giao thông đường bộ vào trong chương trình giáo dục phổ thông:
Con người là chủ thể trong giao thông, ý thức và hành vi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông của người dân là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến gây tai nạn giao thông. Tham gia giao thông là bình đẳng, từ em nhỏ tới cụ già đều rất cần hiểu và có trách nhiệm, nghĩa vụ chấp hành Luật Giao thông. Từ người đi bộ, người sử dụng xe đạp, xe đạp điện, xe máy... cũng đều phải cần hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ.
Vì vậy, chúng ta cần giáo dục con em ngay từ nhỏ để hình thành thói quen và ý thức chủ động chấp hành luật, xây dựng nội dung chương trình dạy và lộ trình phù hợp với lứa tuổi học sinh. Giáo dục liên tục lâu dài ngay từ nhỏ sẽ hình thành ý thức và thói quen cho sau này.
Đặc biệt, khi xây dựng chương trình và trong quá trình giảng dạy, cần nêu bật được: giá trị và ý nghĩa của việc chấp hành Luật pháp nói chung và Luật Giao thông đường bộ nói riêng. Mấu chốt là phải để học sinh nhận biết được rằng nếu hành động chuẩn thì đạt được những gì và lệch chuẩn thì sẽ gặp nguy cơ, hệ quả ra sao? Khi đó ắt mọi người sẽ tự giác làm và hình thành thói quen, ý thức theo suốt cuộc đời.
Chấp hành Luật pháp, không gây hệ quả cũng là một trong những hành động báo ơn bố mẹ, gia đình, thầy cô, xã hội và đất nước. Luật sinh ra là để bảo vệ người dân và đất nước, khi tuân thủ chấp hành luật pháp thì sẽ được Luật pháp bảo vệ.
Khi hiểu rõ và tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, chúng ta sẽ giảm thiểu được tai nạn giao thông; trường hợp không may xảy ra va chạm thì sẽ giảm thiểu hệ quả và được Luật pháp bảo vệ. Ví dụ, một người đội mũ bảo hiểm xe máy đúng chuẩn va quệt với một người không đội mũ; hay một người đi đúng tốc độ cho phép va chạm với một người phóng nhanh, vượt ẩu...
Bên cạnh đó, cũng nên hướng dẫn cho trẻ cách đối diện với thực tế, tìm hiểu hệ quả của những vụ tai nạn giao thông. Sử dụng những hình ảnh, clip trực quan, thực tế để giáo cụ trực quan.
>> 'Cần quy định tốc độ tối thiểu cho từng làn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận'
Tôi cho rằng, ngay từ lớp 1 đến lớp 4, chúng ta có thể xây dựng nội dung đưa Luật Giao thông thành một ôn học, tiết học, hoặc có thể lồng ghép vào môn Giáo dục công dân.
Từ lớp 5 đến lớp 7, có thể xây dựng riêng thành môn học về Luật Giao thông đường bộ. Mục tiêu là học sinh sau khi kết thúc chương trình lớp 7 phải hoàn thành phần thi lý thuyết tương đương người thi bằng lái xe hạng A1. Khi học sinh đủ tuổi và đủ điều kiện sức khỏe theo quy định, muốn sử dụng máy thì có thể học thực hành và đủ điều kiện cấp Giấy phép lái xe ngay.
Các năm tiếp theo, học sinh phải được học và hoàn thành phần thi lý thuyết tương đương người thi bằng lái ôtô hạng B1. Các em cũng sẽ được học thực hành lái xe và cấp Giấy phép lái xe khi đủ tuổi và đủ điều kiện theo quy định.
Có những ý kiến cho rằng lượng kiến thức của các con đang học đã quá tải, không nên bổ sung học Luật Giao thông đường bộ vào chương trình giáo dục phổ thông. Tôi hiểu kiến thức là rất quan trọng để nâng cao trình độ của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh việc học kiến thức để có chuyên môn theo từng ngành nghề, ai cũng cần có vốn sống chuẩn mực. Đơn giản nhất là từ việc hiểu và chấp hành Luật pháp hay Luật Giao thông đường bộ. Vậy, các bậc làm cha mẹ cần phải là tấm gương sáng và hàng ngày chủ động chia sẻ cho các con về giá trị, ý nghĩa của mỗi việc đáng làm.
Có những người buổi sáng vui vẻ đi ra khỏi nhà, nhưng đã mãi mãi không bao giờ trở về do tại nạn giao thông, hoặc tàn tật suốt đời, có những bạn trẻ dang dở những ước mơ hoài bão hay để lại tận cùng nỗi đau cho những người thân yêu. Thế nên, hãy biến sự trân quý, biết ơn cuộc đời này thành những hành động có ý nghĩa và giá trị, góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp!
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.