Tối chủ nhật vừa qua, trên hành trình quay trở lại TP HCM sau hai ngày cuối tuần về quê, tôi được trải nghiệm cảm giác kẹt xe kinh hoàng trên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và cầu Rạch Miễu. Hành trình khoảng 150 km từ Trà Vinh đến TP HCM quen thuộc của tôi vốn mất tầm bốn tiếng, biến động nhẹ tuỳ vào thời tiết, nay kéo dài hơn 6,5 giờ. Trừ 20 phút nghỉ dọc đường, tốc độ bình quân của chuyến xe là 24,3 km/h.
Bác tài xế, như đã quá quen với điều này, bảo với mọi người "kẹt xe vào tối chủ nhật là chuyện thường ngày ở huyện, thời gian đi đến thành phố hên xui lắm". Chỉ tính riêng chuyến xe của tôi, hai điểm nút kẹt xe cầu Rạch Miễu và cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tiêu tốn thêm của hàng chục người đi xe và nhà xe khoảng 2,5 giờ, chưa tính đến chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành xe tăng thêm, ảnh hưởng đến công việc và môi trường.
Những hàng xe cứ nhích dần từng chút một, lúc dừng, lúc đi, tiếng máy cứ thế kêu râm ran như bầy ếch sau cơn mưa. Nhiều bác lớn tuổi lên thành phố khám bệnh, hẹn con ra đón từ sớm, nhưng đến giờ hẹn, xe vẫn đang giữa cao tốc. Tính đến lượng xe tải, xe khách, xe con vận hành trên tuyến huyết mạch kết nối vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ, tác hại của kẹt xe vô cùng lớn, ảnh hưởng từ người đến hàng hóa.
Tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận chỉ mới hoàn thiện giai đoạn một, làn đường còn nhỏ hẹp, tốc độ di chuyển thấp, trong khi lưu lượng xe cao. Trong khi cầu Rạch Miễu là huyết mạch kết nối các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh với TP HCM, vốn được xây dựng từ 2002 tới 2008, là cây cầu dài nhất Việt Nam ở thời điểm khánh thành năm 2009. Song đến nay, lưu lượng xe qua cầu đã vượt gấp 10 lần hợp đồng khai thác ban đầu.
Cụ thể, năm 2020 là 6.982.741 lượt ôtô, năm 2021 là 5.410.173 lượt ôtô, so với mức 535.573 lượt của hợp đồng khai thác. Lưu lượng trung bình 21.000 xe một ngày đêm, vào các ngày lễ thậm chí lên tới 27.000 xe, trong khi cầu hẹp, chỉ 15 m với hai làn ôtô và hai làn xe máy. Thế nên, cả tuyến cao tốc lẫn cầu Rạch Miễu thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, nhất là các dịp cuối tuần và lễ Tết, trở thành "đặc sản" đối với người dân các tỉnh miền Tây.
>> Tránh nút thắt cổ chai khi mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương
Tới đây, quý I năm 2023, cầu Đại Ngãi, nối liền Sóc Trăng với Trà Vinh sẽ được khởi công sau thời gian dài chờ đợi. Tuyến đường sẽ giúp kết nối các tỉnh thành, rút ngắn thời gian lưu thông, giúp phát triển kinh tế vùng và cả nước. Song, lưu lượng xe trên tuyến Quốc lộ 60 qua cầu Rạch Miễu cũng như tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ gia tăng, áp lực đặt ra với hệ thống giao thông hiện tại thấy rõ.
Trong khi đó, Cầu Rạch Miễu 2 - dự án được kỳ vọng giảm tải cho cầu Rạch Miễu - dù đã khởi công từ tháng 3/2022, song sau nửa năm nhiều hạng mục chưa thể triển khai thi công do chưa bàn giao được mặt bằng.
Với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vựa lúa của cả nước, chúng ta đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông trong các năm qua. Nhưng với những nhu cầu bức thiết hiện tại, chúng ta càng cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển giao thông kết nối. Dồn nguồn lực cho các dự án trọng điểm của khu vực, triển khai nhanh, chất lượng, hiệu quả, minh bạch các dự án, khơi thông huyết mạch. Cao tốc cần được ưu tiên đầu tư, kết nối xuyên suốt tuyến từ TP HCM đến Cà Mau, mở rộng làn đường, chất lượng đường.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.