(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tôi hoàn toàn đồng cảm với tác giả bài viết "Những đứa trẻ bất hạnh vì bố mẹ bỏ quên quyền trẻ em". Tôi cũng như vậy, từ nhỏ đến giờ phải chịu nhiều lời cay nghiệt, đay nghiến từ chính mẹ ruột của mình.
Gia đình tôi thuộc dạng trung lưu, không quá thiếu thốn vật chất. Tôi là con trai cả, vừa là cháu đích tôn, nên từ cấp một đã bị áp lực học hành. Năm thi đại học, tôi đã đậu hạng Á khoa vào học viện mà tôi đam mê. Vậy nhưng vừa đi học về, ngồi vào mâm cơm, tôi đã bị mẹ vô cớ mắng chửi: "Mày học ra chỉ ngồi dưới thiên hạ, cạp đất mà ăn". Bữa cơm gia đình của tôi 99% đều mang vị đắng nghét như thế, giống như ăn chén cơm trộn đinh, chan nước mắt. Cứ vậy, tôi thuộc loại suy dinh dưỡng từ nhỏ, dù nhà không hề thiếu ăn.
Mẹ tôi là giáo viên, nhưng không hiểu vì sao lại có cách giáo dục con cay nghiệt như vậy? Tôi năm nay đã gần 40 tuổi, càng lớn tuổi, vết thương trong lòng tôi càng lớn. Vì thói quen mắng nhiếc, chì chiết suốt mấy chục năm, nên mẹ tôi rất khó sửa đổi tâm tính. Bây giờ, bà vẫn thế, nên tôi buộc phải tự giữ khoảng cách với bà để tâm trí không bị ảnh hưởng nữa.
Tôi ám ảnh và không lập gia đình vì không muốn phạm sai lầm tương tự với con tôi. Tôi không dám chắc mình có lập lại những điều mẹ làm với tôi hay không? Tôi nhận ra, chính tôi đã bị tiêm nhiễm ít nhiều thói xấu "ác khẩu" từ mẹ. Tôi không muốn con tôi chứng kiến, học theo cách dạy của mẹ tôi. Một người bạn từng tâm sự với tôi, mẹ bạn ly dị bố khi bạn còn rất nhỏ, bạn ở với bố, nên lớn lên không có cảm xúc gì về mẹ. Còn tôi, nghe đến đấy, chỉ biết câm nín, mà trong lòng thầm nghĩ "tôi có mẹ, nhưng tôi mang quá nhiều vết thương tâm lý vì mẹ mình, và không bao giờ được chữa lành, bởi cái tôi của bà quá lớn. Không biết ai khổ hơn ai?".
Tôi đã trầm cảm nặng từ hồi còn là học sinh cấp hai, nhiều lần định tự vẫn. Nhưng may mắn thay, tôi đến với cuộc đời này, mang theo trong mình một niềm đam mê, lý tưởng nghề nghiệp cực kỳ lớn. Chính giây phút đứng giữa quyết định sống tiếp hoặc kết thúc, tôi tự vấn xem còn điều gì trên cuộc đời này mà mình chưa hoàn thành hay không? Chợt nhớ ra mình còn niềm đam mê lớn vẫn chưa làm trọn, nên nó đã lôi tôi từ tầng năm xuống.
>> 'Con tôi thích dùng bạo lực sau khi bị cha mẹ đánh mắng'
Tôi chưa từng làm gì để mẹ tôi phải xấu hổ, bố tôi cũng chăm lo cho gia đình không thiếu thứ gì. Ông cũng chính là một phần động lực giúp tôi sống tiếp cho đến hôm nay. Tôi không rượu chè, cờ bạc, gái gú, không trộm cắp, không nói dối ai bao giờ, không mang bệnh tật xã hội, không phá gia chi tử, bòn rút của cải bố mẹ, được mọi người đánh giá là thông minh, sớm bộc lộ năng khiếu từ cấp một. Cớ sao tôi lại bị chính mẹ mình dồn ép đến mức nhiều lần suýt tự vẫn?
Tôi biết mình không hoàn thiện, nhưng không biết phải như thế nào đề vừa lòng mẹ. Hở ra là tôi bị chì chiết đủ thứ chuyện. Hễ chuyện gì có liên quan đến tôi và mẹ, gần như đều bị bà mắng, cãi ngang rất vô lý, miễn bà giành được phần thắng mới thôi.
Những ai đã chọn lập gia đình, sinh con đẻ cái, phải tự tu chỉnh bản thân, từ trong suy suy nghĩ, ra đến cái miệng của mình, trước khi "tấn công" trẻ con bằng những lời sỉ vả, xúc phạm nhân cách con trẻ. Tôi vô cùng khổ sở vì gần như không thể tâm sự, chia sẻ cùng ai. Nói ra lại sợ mang tiếng thằng con bất hiếu, nhà đầy đủ vật chất, lại còn tố cáo mẹ mình. Giờ đây, tôi chỉ còn có thể nương tựa tinh thần nơi đạo Phật, học hỏi được nhiều giáo lý, phương pháp để tự cân bằng tinh thần, giải tỏa bớt dồn nén.
Hy vọng, những điều tôi chia sẻ sẽ giúp những bậc cha mẹ có con nhỏ ngoài kia thay đổi suy nghĩ. Đừng dùng lời nói "bắn" vào đầu trẻ con những "viên đạn" cay nghiệt, bởi chúng sẽ ghim chặt mãi mãi trong đầu óc trẻ thơ cho đến khi chết.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trangÝ kiến tại đây.