(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Sự thật, những người từ nhỏ được dạy dỗ tốt về tiền bạc và áp lực thì lớn lên thường mạnh mẽ hơn, biết tiết kiệm, biết lo xa hơn. Còn những đứa trẻ không được dạy dỗ tốt những điều đó, khi lớn lên thường bất cần đời, kém ý chí, dễ dàng bị khích tướng, ăn chơi không biết điểm dừng, thường là những kẻ "phá gia chi tử". Nên nhớ "đời ông đi mua vào, đời cha bắt đầu xây dựng, đời cháu (con) bắt đầu bán đi, đời chắt (cháu) bắt đầu đi xin ăn", đây là cái vòng luẩn quẩn của phần đông các gia tộc. Nói một cách khác, "một khối tài sản khó tồn tại đến đời thứ ba".
Gia tộc JP. Morgan là một trong những gia tộc tài chính lâu đời nhất trên thế giới. JP. Morgan là chủ tịch tài chính đầu tiên của Mỹ và ông ta đã được dạy như con nhà nòi. Năm 6 tuổi, ông đã tinh thông các kỹ năng quản lý tài chính và tham gia công việc cùng với cha, thậm chí đã cảm nhận được sức nặng của một triệu đôla khi được bố cho ôm lấy bọc tiền đó rồi.
Quan điểm giáo dục của người Do Thái là rất đáng ngưỡng mộ và nên học tập vì nó đã được kiếm chứng qua nhiều thế hệ, nhiều thế kỷ. Nên nhớ người Do Thái có lịch sử giáo dục trước các dân tộc khác mười mấy thế kỷ, là dân tộc mà thế kỉ II trước công nguyên đã quy định toàn bộ đàn ông biết đọc sách, trong khi phần lớn các dân tộc khác chỉ có 5% dân số biết chữ (hàng quý tộc), còn lại 95% dân số mù chữ.
Ước mơ chỉ đúng khi nó không làm ta thêm bần cùng, dù gì thì giấc mơ đẹp đẽ thường là giấc mơ của những kẻ thừa tiền, lắm của. Người nghèo cần phải sống trước đã, và liều trong sự hiểu biết mới có thể giàu.
>> Dạy con kiếm tiền hay ước mơ?
Khi bạn dạy cho con bạn biết rằng tiền của chúng cũng là tiền của người thân (bao gồm cha mẹ, anh chị em...), có nghĩa là con cũng sẽ nghĩ tiền của người thân là tiền của chúng. Bạn có thấy những đứa trẻ hay đòi tiền, đòi đồ chơi của đứa khác một cách vô cớ không? Vì chúng được dạy tiền, đồ chơi của đứa khác cũng chính là của nó đấy.
Hãy dạy con tiền của ai thì người đó tùy ý sử dụng. Con cái không nên trông chờ ba mẹ, ông bà cho thừa kế tài sản. Ông bà, ba mẹ không nên trông chờ con cái cho tiền đi khám bệnh, tiền dưỡng già. Thay vào đó, hãy lên kế hoạch để tự lo ổn thỏa, có các khoản tiền dự phòng. Còn tiền bạc của người thân tùy ý, tùy tình cảm, tùy điều kiện mà họ có thể giúp đỡ, có thể không, có thể giúp trực tiếp, hoặc gián tiếp... Nhưng vốn đây không phải là điều nằm trong kế hoạch của người được nhận (vì như thế thì bạn đang đào tạo một kẻ ăn bám người thân).
Tình cảm hay tiền bạc đều có giới hạn và cân bằng. Không thể nói tình cảm mà bụng no được, người ta đang đói mà bạn cho tiền và giảng đạo lý thì chắc không thể vào đầu được. No bụng rồi thì mới cần tới tình cảm (lúc đói, giữa ranh giới sống - chết thì không thể nói chuyện tình cảm). Hơn nữa, tình cảm cũng phải thể hiện bằng hành động chứ không thể nói suông, vậy thì nên cho tiền xây trường học, xây bệnh viện... đấy mới là tình cảm thật. Bệnh viện, trường học chẳng phải là biểu tượng của tình cảm sao. Vậy tiền có tình cảm trong đó không?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.