Tranh luận xung quanh câu chuyện 'Dạy trẻ cách tiêu tiền', độc giả Thao Thu bày tỏ quan điểm hướng con dùng tiền vào việc có ích thay vì giữ làm của riêng:
"Mục đích kiếm tiền là để xài, để lo cho người thân và giúp đỡ những người mình thương yêu. Đầu tiên, tôi sẽ dạy con mình lấy tiền lì xì đãi cả nhà ăn. Không nên để con có tiền mà chỉ dùng cho việc mua bán cá nhân. Đôi khi cần dạy chúng dùng tiền cho người khác, trước tiên là người thân, không mua đồ chơi hoặc đồ ăn có hại cho sức khỏe, không cờ bạc, lô đề... Nói tới tiền cả ngày không kể hết cách xài. Nhưng xài sao cho mọi người cùng vui và hạnh phúc mới là điều đáng quý nhất.
Không đồng tình với cách dạy con trên, bạn đọc Thánh Tuệ lại có cái nhìn trái ngược về định hướng dùng tiền cho con:
"Sai lầm khi dạy con bạn rằng tiền của chúng là của chung, kiếm tiền là để xài, để lo cho người thân và giúp đỡ những người mình thương yêu. Tiền là công sức lao động, là thước đo giá trị của người làm ra hoặc được người khác cho tặng. Sự thật, những đứa trẻ có khả năng tự kiềm chế các ham muốn, chi tiêu, nhu cầu cá nhân... và có khả năng để dành tiền thường sẽ thành công. Những người không có khả năng dành dụm thường thất bại. Trẻ em để dành đồ ăn và tiền thường lớn lên sẽ thành nhà đầu tư, còn người không biết tiết kiệm thường chỉ biết hôm nay, không biết tới ngày mai, cuộc đời xô đẩy đi đâu thì đi.
Đa số người nghèo thường không coi trọng tiền bạc, dùng tiền đổi lấy cái danh hão, sự cao ngạo nên thường nghèo. Khi nói tới tiền, người nghèo thường có câu cửa miệng "tiền không quan trọng, tình cảm mới quan trọng". Họ thường bị lừa, khích tướng mà tiêu tiền để đổi lấy hư danh phóng khoáng. Họ có thể đãi người khác ăn không tính toán, xây nhà cửa, tiền tài cho người khác để thể hiện, thậm chí bán nhà để xây nhà cho người khác vì tình cảm... Họ tránh làm nô lệ cho đồng tiền nhưng lại là nô lệ cho tình cảm. Nên cân bằng để có được tự do không ràng buộc thái quá vì bất kỳ cái gì".
>> 'Dạy con tiêu tiền tốt hơn cấm đoán'
Chia sẻ về cách dạy con dung hòa giữa chuyện dùng tiền và tiết kiệm, độc giả Nam Anh lại đưa ra nhận định:
"Lúc nhỏ, phụ huynh có nhiều cách để hướng dẫn con cái tiêu tiền. Có thể sẽ dành 30% hỗ trợ ba mẹ đóng học phí, 20% tiết kiệm cho lâu dài (gom góp gửi ngân hàng lấy lãi, dùng cho tương lai trẻ), 20% cho gia đình hay người thân, 20% cho chính bản thân trẻ, và 10% cho trẻ em cơ nhỡ.
Người lớn cũng nên tự lo cho bản thân mình trước, bớt lo chuyện bao đồng lại. Bản thân tôi sẽ luôn định hướng con tiêu xài trong khoảng 30-60% thu nhập (bao gồm cả đãi gia đình họ hàng), 20-50% cho đầu tư và tiết kiệm, 5-10% cho từ thiện. Về giúp đỡ họ hàng, nếu có điều kiện, tôi sẽ tài trợ theo kiểu cho cần câu chứ không cho cá: hỗ trợ kiến thức, chuyên môn, vốn làm ăn, hoặc tài trợ cho đi học nghề, học lấy bằng.
Nếu bản thân mình không tiết kiệm, khi cần tiền việc gì cứ đi vay mượn cũng không thoải mái, hoặc ngộ nhỡ người thân bị bệnh mà nếu không có khoản tiết kiệm thì làm sao giúp đỡ được họ? Lúc đấy lại hối hận, mong hồi trước bớt ăn nhậu để giờ có khoản tiền phòng thân khi cần. Tôi ưu tiên việc tiết kiệm, còn tiêu xài này kia có chừng mực là được".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lê Phạm tổng hợp