Tranh luận về việc nên nói với con những điều tích cực hay thẳng thắn về cuộc sống, nhiều độc giả VnExpress bày tỏ quan điểm ủng hộ việc nói thẳng, nói thật, không né tránh hay vẽ vời:
Giáo dục đúng đắn không vẽ vời, dối trá. Hãy khéo léo nói lời trung thực sẽ tốt cho sự nhận xét, hiểu biết về thật - giả của con cái. Cứ nói với con rằng "bố mẹ phải đi làm để có tiền mua thức ăn, trả điện nước, may quần áo, giầy dép cho cả nhà, chứ không chỉ cho lo cho riêng con. Còn cha mẹ không đi làm thì cả nhà phải ra ngoài đường chịu nắng mưa mà vẫn đói khát, khổ sở...", thì con sẽ hiểu ngay sự thật, không mặc cảm rằng chúng là gánh nặng của cha mẹ và biết quý trọng việc cha mẹ đi làm".
Các con tôi đang học lớp 1, 2. Tôi phân tích với con rằng một tháng gia đình phải chi tiêu những khoản gì cố định, khoản gì phát sinh? Tôi cũng phân tích làm nghề này thì thu nhập bao nhiêu; học vấn, trình độ này thì làm nghề nào; cuộc sống hiện tại của gia đình mình ra sao; con muốn cuộc sống sau này tốt lên thì nên làm thế nào; muốn giúp bố mẹ thì con nên làm gì...? Nhiều đứa trẻ học lớp 7, 8 cũng hay bỏ nhà ra đi vì đôi lúc chúng nghĩ làm rửa bát, chạy xe ôm, hay làm youtuber nọ kia cũng sống thoải mái được. Chúng ta cũng nên cho con trải nghiệm sự vất vả để chúng hiểu ý nghĩa và biết quý trọng những thứ đang có.
Tôi không đồng tình những kiểu trả lời dối gạt, xem thường trẻ em. Trẻ tầm 5 tuổi cũng đã rất hiểu chuyện, có thể nói những câu như "mẹ đi làm về mệt lắm hả, để con massage cho mẹ"... Sống cổ tích thì được gì? Năm xưa, khi còn nhỏ, tôi rất ham chơi, nhưng vẫn phải gắng học hành cũng bởi ám ảnh câu nói thẳng thắn của cha mẹ rằng "lớn lên không có kỹ năng gì thì chỉ đi nhặt rác kiếm sống mà thôi".
Tôi vẫn trả lời thẳng thắn cho con mình hiểu rằng "mẹ phải đi làm vì còn phải phụng dưỡng ông ngoại, phải mua thức ăn cho các con, mua quần áo và những thứ khác. Nghĩa vụ của mẹ là đi làm để lo cho các con, còn các con có nghĩa vụ là chăm học". Các con tôi đều vui vẻ đến trường và vui vẻ đón tôi mỗi khi về nha. Đối với trẻ con, hãy giải thích đơn giản để chúng hiểu.
Chúng ta không nên vẽ vời lý do đẹp đẽ đi làm vì thế này thế kia. Bởi rất đơn giản, đó là điều mà hầu hết tất cả mọi người đều phải như vậy. Chúng ta phải làm việc để chăm lo cho cuộc sống của mình và người thân... Nếu không thẳng thắn, trẻ sẽ không nhận thức được ý nghĩa thiết thực của công việc cha mẹ đang làm và sau này là chính bọn trẻ phải làm.
>> Dạy con tự lập kiểu Tây hay hiếu thuận kiểu ta?
Tuy nhiên, không ít ý kiến lại có quan điểm trái ngược, cho rằng việc nói những điều tốt đẹp với trẻ sẽ có tác động tích cực hơn những thứ thực tế phũ phàng:
Nói thẳng thì khác gì phá nát ước mơ của những đứa trẻ. Bọn trẻ chỉ có một tuổi thơ thôi, vậy muốn lấp đầy tuổi thơ chúng bằng những điều đẹp đẽ hay những thứ nặng nề là do bạn lựa chọn. Sau này lớn lên, trưởng thành thì ai chẳng hiểu cuộc sống này khó khăn, nhưng cứ đối xử với trẻ con như thế sẽ khiến chúng bị mắc các chứng bệnh sợ hãi xã hội, bệnh tâm lý, trầm cảm...
Thời nay, người ta toàn lao vào vòng xoáy vật chất. Những đứa trẻ không đáng bị như thế. Chính cái suy nghĩ kiểu như vậy mà giáo dục nước ta hơn cả thập kỷ rồi chẳng tiến bộ được. Nhìn sang các nước có nền giáo dục tốt hàng đầu thế giới như Phần Lan, họ chẳng bao giờ dạy trẻ như thứ tiêu cực. Việc dạy trẻ là điều nhỏ trong một gia đình nhưng với toàn quốc gia nó là vấn đề lớn, vĩ đại. Liệu lúc về già, bạn sẽ mong con cái nó quý bạn hay tiền bạc hơn?
Mẹ tôi hay chia sẻ với tôi chuyện công việc, rằng "mẹ rất mệt". Và mẹ luôn bảo tôi rằng "ráng làm để nuôi hai đứa". Điều đó làm tôi cảm thấy rất áp lực. Áp lực tới mức, kỳ nghỉ hè của Đại học, tôi cũng chẳng dám về quê. Thay vào đó, tôi đi kiếm việc gì đó, ở lại thành phố và học tập thêm, chỉ mong theo đuổi kịp tốc độ già nua của bố mẹ. Tôi nghĩ có một lý do tôi không dám về, đó là tôi không dám gặp mẹ. Tôi sợ nhìn thấy mẹ, tôi lại khóc.
Cũng cùng một sự việc nhưng người ta có câu "lời nói chẳng mất tiền mua", nếu có thể nói mà không làm tổn thương người khác thì đó vẫn là điều nên làm chứ sao? Tôi không hiểu vì sao câu nói của bà mẹ "làm để kết bạn mới, để học hỏi và tìm niềm vui" lại bị nhiều người cho là cổ tích? Chẳng phải đó là điều nên làm trong công việc hay sao?
Chẳng phải người ta nghỉ việc cũng vì những lý do đó: trong công ty toàn thù, không bạn, làm mà không học thêm được gì, làm mà không có niềm vui... hay sao? Với một người đi làm mà "mỗi ngày đi làm không phải là một ngày vui", "đi làm mà cảm thấy mình không có thêm kiến thức, không có được sự thăng tiến", "đi làm mà như đi đánh giặc, đi trả nợ đời" thì cũng đủ dấu hiệu để nghỉ làm công ty đó rồi, chứ đừng bao giờ nói "đó là thực tế".
Thật sự, tôi chưa bao giờ gặp phải câu hỏi kiểu đó của con. Nhưng nếu con hỏi, tôi chỉ nghĩ sẽ trả lời một câu đơn giản rằng "bố phải đi làm để tương lai của gia đình ta, đặc biệt là của các con sẽ tốt đẹp hơn hiện tại".
Cha mẹ nên truyền cho con những suy nghĩ tích cực trong mọi việc, hướng cho con hiểu hạnh phúc của sự lao động, làm việc. Cuộc sống này có rất nhiều điều tốt đẹp, lạc quan, tích cực mà người lớn nên dạy cho con trẻ nhìn thấy từ những việc nhỏ nhặt.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.