Thận là bộ phận quan trọng trong cơ thể giúp loại bỏ chất thải qua nước tiểu, đồng thời duy trì sự cân bằng của chất lỏng, điện giải. Khi uống bia rượu, thận phải hoạt động nhiều hơn nhằm bài tiết lượng cồn dư thừa ra khỏi cơ thể dẫn tới các cơn đau.
Uống bia rượu cũng dẫn tới tình trạng tiểu tiện liên tục, khiến cơ thể mất nước. Điều này có thể cản trở hoạt động của thận và các cơ quan khác, dẫn tới những triệu chứng như đau thận, mạn sườn và lưng.
Sau khi uống rượu, các khu vực xung quanh thận có thể cảm thấy đau nhói, bao gồm khu vực ở phía sau bụng, dưới lồng ngực ở cả hai bên cột sống. Cơn đau có thể đột ngột, sắc nét hoặc âm ỉ. Mức độ đau có thể nhẹ hoặc nặng và có thể được cảm thấy ở một hoặc cả hai bên của cơ thể.
Đau thận có thể xuất hiện sau khi uống bia rượu hoặc một khoảng thời gian sau đó. Một số trường hợp đau thận nặng vào ban đêm. Ngoài ra, có thể xuất hiện các triệu chứng khác như nôn, buồn nôn, tiểu ra máu, ăn không ngon, mất ngủ, đau đầu, sốt, ớn lạnh.
Dưới đây là 7 nguyên nhân gây đau thận sau khi uống rượu:
Sỏi thận
Mất nước sau khi uống bia rượu có thể gây hình thành sỏi thận. Ở người đã bị sỏi thận, uống nhiều rượucó thể khiến sỏi di chuyển nhanh hơn, làm tăng các cơn đau thận.
Trường hợp sỏi thận còn nhỏ, bệnh nhân có thể điều trị bằng cách uống nhiều nước, dùng thuốc theo tư vấn của bác sĩ.
Nhiễm trùng thận
Đây là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) bắt đầu từ niệu đạo hoặc bàng quang, di chuyển đến một hoặc cả hai thận. Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng tiểu sẽ gia tăng sau khi uống rượu.
Người bệnh cần uống nhiều nước và đi khám sớm. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân nhiễm trùng thận nặng hoặc tái phát sẽ phải nhập viện điều trị hoặc phẫu thuật.
Mất nước
Bia rượu có đặc tính lợi tiểu khiến người uống đi tiểu nhiều lần, dẫn đến cơ thể mất nước, đặc biệt là khi uống quá nhiều rượu. bia rượu ảnh hưởng đến khả năng giữ cân bằng nước và chất điện giải trong cơ thể của thận. Từ đó, người bệnh dễ bị suy thận, tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Nhằm khắc phục tình trạng mất nước, bệnh nhân cần bù đủ nước, điện giải, tránh đồ uống có đường.
Hẹp khúc nối bể thận niệu quản (UPJ)
Nếu hẹp khúc nối bể thận niệu quản, người bệnh có thể thấy đau thận sau khi uống rượu. Tình trạng này cản trở hoạt động bình thường của thận và bàng quang. Đôi khi bệnh nhân cảm thấy đau ở một bên, đau lưng dưới, đau bụng. Cơn đau có thể di chuyển đến háng. Uống nhiều bia rượu khiến các cơn đau gia tăng.
Bệnh nhân hẹp UPJ có thể điều trị bằng thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Một số trường hợp phải phẫu thuật.
Thận ứ nước
Tình trạng này là kết quả của việc tích tụ nước tiểu khiến một hoặc hai quả thận bị sưng. Thận sưng gây tắc nghẽn quá trình bài tiết nước tiểu từ thận đến bàng quang. Bệnh nhân thường bị đau hạ sườn, đi tiểu khó. Bị sỏi thận làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận ứ nước.
Viêm dạ dày
Uống quá nhiều bia rượu có thể dẫn đến viêm dạ dày, khiến niêm mạc dạ dày bị viêm hoặc sưng tấy. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến thận, gây đau ở vùng bụng trên. Bệnh nhân cần tránh uống rượu, dùng thuốc giảm đau khi cần thiết.
Suy gan
Người mắc bệnh gan, chức năng gan suy giảm dễ bị đau, khó chịu sau uống rượu. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng tới lưu lượng máu chảy đến thận, khiến thận lọc máu kém. Để khắc phục tình trạng này, bệnh nhân cần cai rượu, giảm cân, ăn uống khoa học. Trường hợp mắc bệnh nặng phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật ghép gan.
Theo các chuyên gia, bên cạnh các cơn đau thận, uống nhiều bia rượu có thể gây ra một số hậu quả lâu dài về sức khỏe như bệnh tiểu đường type 2, huyết áp cao. Uống hơn 4 ly bia, rượu/ngày, hút thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính, tổn thương thận.
Khi uống quá nhiều rượu, thận bị làm việc quá sức sẽ không thể hoạt động bình thường. Điều này khiến thận lọc máu kém, gây mất cân bằng nước trong cơ thể. Các hormone kiểm soát chức năng thận cũng bị ảnh hưởng.
Khi thấy đau thận sau uống rượu, người bệnh cần chú ý đến các triệu chứng của cơ thể, dừng uống rượu, bia hoặc giảm lượng tiêu thụ hai loại đồ uống này. Mỗi người cần uống đủ nước để tránh mất nước. Hãy thử đổi đồ uống có cồn sang đồ uống thay thế như nước trái cây và trà. Các loại nước ép trái cây như nước dừa, nước ép táo... là lựa chọn tốt. Bệnh nhân cần có chế độ ăn lành mạnh, ít chất béo, nhiều rau, củ quả, hạn chế tiêu thụ đường, muối, caffeine.
Minh Thúy (Theo Healthline)