Một ngày trước khi bị đau ngực, anh Thông tập tạ hơn hai giờ nên nghĩ cơn đau liên quan căng cơ, nghỉ ngơi 15 phút thì giảm đau. Nửa ngày sau, cơn đau trở lại khi anh đang chạy xe máy, uống thuốc, nằm nghỉ vẫn không bớt nên anh đến bệnh viện khám.
Ngày 28/6, ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Trung tâm Can thiệp mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết anh Thông nhập viện sau 16 giờ khởi phát cơn đau vùng lồng ngực kèm vã mồ hôi, nghẹt thở. Động mạch vành phải tắc hoàn toàn, rất nhiều huyết khối bám trong lòng mạch. Bệnh nhân còn có tình trạng mạch máu lớn (đường kính 7-8 mm so với 3-4 mm, tối đa 5-6 mm ở mạch máu bình thường). Điều này gây khó khăn nếu can thiệp, vì stent lớn nhất để nong mạch vành thường chỉ đạt kích thước 5 mm.
Ê kíp hút huyết khối cho anh Thông để làm sạch lòng mạch máu. Trong lúc hút, bệnh nhân có nguy cơ rối loạn nhịp chậm, tụt huyết áp, ngưng tim ngay trên bàn thủ thuật. Để ngăn ngừa rủi ro này, ê kíp luồn dây dẫn vào lòng mạch đầy huyết khối. Tiếp đến, bác sĩ dùng ống thông với lực hút mạnh để huyết khối không trôi ngược lại hoặc trôi ra các mạch máu lân cận. Quá trình hút huyết khối thành công sau 30 phút, bệnh nhân hết cảm giác đau ngực, các chỉ số nhịp tim và huyết áp ổn định. Anh tiếp tục uống thuốc kháng đông và thuốc chống kết tập tiểu cầu, xuất viện sau 5 ngày.
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết trường hợp này không cần đặt stent nong mạch vì sau khi hút huyết khối, lòng mạch không còn bị hẹp.
Anh Thông không có cơ địa hay bệnh nền dễ tạo huyết khối nhưng có yếu tố nguy cơ là hút thuốc lá một gói mỗi ngày trong hơn 30 năm. Bác sĩ cho rằng hút thuốc lá lâu năm khiến bệnh nhân bị viêm, xơ vữa động mạch vành, tạo điều kiện dễ hình thành huyết khối hơn. Bác sĩ khuyên anh bỏ thuốc lá, tập thể dục điều độ, duy trì chế độ ăn lành mạnh để giảm nguy cơ tái tắc mạch vành.
Bác sĩ Minh giải thích hút thuốc lá có thể gây xơ vữa động mạch theo nhiều cơ chế. Thứ nhất, nồng độ chất carbon monoxide (một chất có nhiều trong thuốc lá) tăng lên, làm tổn thương đến sự mềm dẻo của lòng mạch, dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa. Tiếp theo, hút thuốc lá làm giảm cholesterol có lợi và tăng cholesterol có hại, tăng triglyceride (còn gọi là mỡ máu) gây xơ vữa động mạch.
Nếu mảng xơ vữa trong mạch máu đột ngột nứt vỡ hoặc bị xói mòn, quá trình đông máu khởi động, tạo ra các cục huyết khối lấp kín lòng mạch vành, gây nhồi máu cơ tim cấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân dễ loạn nhịp tim, suy tim, ngừng tim.
Bác sĩ Long cảnh báo người thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim nhiều hơn so với không hút thuốc. Độ tuổi xuất hiện tình trạng nhồi máu cơ tim cũng sớm hơn, nhiều biến chứng nguy hiểm hơn so với người không hút thuốc lá. Cai thuốc lá là việc quan trọng hàng đầu để giữ trái tim khỏe. Người hút thuốc lá lâu năm cần đi khám, tầm soát bệnh tim mạch định kỳ.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |