Ung thư tuyến tiền liệt có thể tái phát cục bộ tại khu vực xung quanh tuyến tiền liệt hoặc tái phát xa ở các cơ quan khác trong cơ thể.
Tuyến tiền liệt sản sinh ra tinh dịch giúp nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng. Kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt (Prostatic Specific Antigen - PSA) là một loại protein được tìm thấy trong tuyến này, tinh dịch và một lượng nhỏ trong máu. Xét nghiệm PSA nhằm phát hiện nồng độ kháng nguyên tăng hay giảm. PSA thường tăng cao ở đàn ông mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, sau phẫu thuật hoặc xạ trị, ung thư tuyến tiền liệt còn giới hạn ở tuyến tiền liệt và các mô lân cận. Nồng độ kháng nguyên đặc hiệu thường giảm xuống 0 hoặc gần như bằng 0 sau khi cắt bỏ tuyến tiền liệt và xuống mức thấp hơn lúc đầu sau xạ trị.
Mức PSA được theo dõi khi kết thúc điều trị ban đầu. Nếu PSA tăng trở lại sau thời gian đã giảm xuống 0 hoặc gần bằng 0 có thể là dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt tái phát. Thông thường, bác sĩ phải dựa vào ít nhất hai lần tăng liên tiếp hoặc nhiều lần xét nghiệm PSA ở mức cao trở lên để xác định. Vì một số tình trạng khác cũng làm tăng mức PSA như viêm hoặc tăng sản lành tính tuyến tiền liệt.
Các yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ tái phát ung thư tuyến tiền liệt gồm tỷ lệ và tình trạng khối u, giai đoạn ung thư.
Tỷ lệ khối u: Theo nghiên cứu năm 2016 của Trường Đại học Y khoa Inje (Hàn Quốc) trên 251 bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt, tỷ lệ khối u là yếu tố nguy cơ tái phát ung thư này.
Giai đoạn ung thư: Giai đoạn này đề cập đến mức độ lây lan của tế bào khối u. Ung thư ở các giai đoạn sau đã lan rộng hơn khi điều trị ban đầu có tỷ lệ tái phát cao.
Sự liên quan của các hạch bạch huyết: Tế bào ung thư tuyến tiền liệt đã xâm nhập vào các hạch bạch huyết trước khi điều trị có nhiều khả năng tái phát hơn sau này. Tình trạng khối u trước đó càng lan nhanh và ác tính thì nguy cơ ung thư quay trở lại càng tăng.
Một số xét nghiệm hình ảnh có thể xác định rõ hơn vị trí ung thư tái phát trong cơ thể như quét xương, chụp CT (chụp cắt lớp vi tính), MRI (chụp cộng hưởng từ).
Cách điều trị ung thư tuyến tiền liệt tái phát tùy thuộc vào các yếu tố như phương pháp đã áp dụng trước đó, vị trí và mức độ lan rộng của khối u tái phát trong cơ thể, khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân, sức khỏe tổng thể, tuổi tác.
Nếu ung thư chỉ tái phát ở một khu vực nhỏ và chưa lan sang các khu vực khác thì có thể xạ trị. Bác sĩ thường áp dụng liệu pháp hormone, hóa trị cho trường hợp ung thư tuyến tiền liệt tái phát đã lây lan sang nhiều vùng trên cơ thể.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |