BS.CKII Ngô Đồng Dũng, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thiếu máu được định nghĩa khi lượng tế bào hồng cầu trong máu (Hb) giảm dưới 13 g/dL ở nam giới và dưới 12 g/dL ở phụ nữ tiền mãn kinh. Thiếu máu ở bệnh thận mạn bắt đầu khi độ lọc cầu thận (eGFR) giảm xuống dưới 60 ml/phút/1,73 m2 da hoặc thận mất quá 50% chức năng. Độ lọc cầu thận càng thấp, tình trạng thiếu máu càng trầm trọng.
Thiếu máu ở người bệnh suy thận mạn xảy ra do hai cơ chế là thiếu máu do giảm nồng độ hormone Erythropoietin (EPO) và thiếu máu do thiếu sắt.
Thiếu máu do giảm nồng độ EPO: Quá trình tạo hồng cầu tại tủy xương cần có sự tham gia của EPO. Thận là "nhà máy" sản xuất đến 90% lượng hormone này. Chức năng thận suy giảm hoặc mất hoàn toàn ảnh hưởng đến quá trình tạo tế bào máu mới, gây thiếu máu thứ phát (còn gọi là thiếu máu giảm sinh).
Thiếu máu do thiếu sắt: Người bệnh suy thận mạn mất sắt theo nhiều cách khác nhau. Chức năng thận suy giảm nghiêm trọng làm người bệnh mất khả năng hấp thụ sắt từ thực phẩm. Ngoài ra, người bệnh còn gặp tình trạng cơ thể giảm giải phóng sắt từ nguồn dự trữ của cơ thể (phần lớn ở trong gan) không thể đáp ứng được yêu cầu tạo hồng cầu, gọi là thiếu sắt tương đối.
Ở người bệnh thận chạy thận nhân tạo lâu dài, mỗi năm, cơ thể mất khoảng 1-3 g sắt (thiếu sắt tuyệt đối) do chảy máu vì chỉ số urê máu cao, thất thoát máu ở màng lọc máy chạy thận nhân tạo, phải mổ tĩnh mạch nhiều lần để tạo đường chạy thận.
Dấu hiệu nhận biết người bệnh suy thận mạn thiếu máu tương tự người bình thường như khó thở, mệt mỏi, cơ thể yếu, da và kết mạc nhợt nhạt, đau đầu, chóng mặt, đau tức ngực, tăng nhịp tim.
Nếu không phát hiện, điều trị bổ sung máu kịp thời, người bệnh suy thận mạn dễ gặp biến chứng tim mạch (phì đại thất trái, suy tim sung huyết), suy hô hấp, nguy cơ tử vong cao. Nếu người bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm không điều trị thiếu máu làm tăng tốc độ bệnh chuyển sang giai đoạn cuối.
Theo bác sĩ Dũng, hiện có hai phương pháp phổ biến điều trị thiếu máu ở người bệnh suy thận mạn. Sử dụng thuốc kích thích sản sinh hồng cầu (ESA) được xem xét sử dụng khi nồng độ hồng cầu trong máu của người bệnh giảm xuống dưới 10 g/dL, bác sĩ điều chỉnh liều lượng thuốc và thời gian sử dụng phù hợp với sức khỏe người bệnh, mục tiêu đưa nồng độ hồng cầu trong máu về mức 11,5 g/dL.
Ngoài ra, người bệnh cần bổ sung sắt thông qua đường tiêm tĩnh mạch do cơ thể không thể hấp thu sắt từ thực phẩm. Trong trường hợp sử dụng ESA không hiệu quả hoặc rủi ro cao, người bệnh có thể được chỉ định truyền hồng cầu khối.
Để tránh thiếu máu, người bệnh suy thận mạn cần được theo dõi, đánh giá thiếu máu thường xuyên. Tần suất đánh giá tùy từng trường hợp người bệnh. Người bệnh suy thận giai đoạn 3 là 2 lần mỗi năm; suy thận giai đoạn 4-5 được đánh giá ít nhất 2 lần mỗi năm; người đang lọc màng bụng là 3 tháng một lần; người đang chạy thận nhân tạo cần được đánh giá hàng tuần.
Bác sĩ Đồng Dũng khuyến cáo người bệnh suy thận mạn đang hoặc chưa có chỉ định lọc máu cần đến bệnh viện xét nghiệm, điều trị sớm khi nhận thấy những dấu hiệu thiếu máu, tránh để thiếu máu trầm trọng, nguy hiểm đến tính mạng.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |