Nổi hạch là tình trạng phát triển bất thường về kích thước hoặc đặc điểm của các hạch bạch huyết do sự xâm nhập hoặc lan truyền của các tế bào viêm hoặc tế bào ung thư. Đây là biểu hiện của một loạt bệnh lý bao gồm bệnh ác tính, nhiễm trùng, rối loạn tự miễn dịch, các tình trạng bất thường khác.
ThS.BS Trần Ngọc Hải, khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chia sẻ cách phân biệt hạch ung thư và hạch lành tính do nhiễm trùng thông thường.
Nổi hạch do ung thư: Nổi hạch không rõ nguyên nhân; kích thước hạch từ 2,54 - 5,1 cm, không gây đau, kéo dài hơn hai tuần không cải thiện dù đã được điều trị bằng kháng sinh; hạch rất cứng và không thể di chuyển khi sờ nắn. Tình trạng nổi hạch kèm các triệu chứng sốt dai dẳng, sụt cân không rõ nguyên nhân, xuất huyết tiêu hóa, mũi, miệng... cũng là dấu hiệu cảnh báo hạch ung thư.
Nổi hạch do các tình trạng khác: Các hạch sưng do nhiễm trùng thường kèm sưng đau, đỏ hoặc nóng; mật độ mềm hơn các mô xung quanh và không rắn; có kích thước dưới 1,3 cm, sẽ giảm trong vòng hai hoặc ba tuần, tức là cho đến khi hết nhiễm trùng. Tình trạng nổi hạch lành tính thường có nguyên nhân rõ ràng như cảm lạnh, sâu răng, viêm tai, chấn thương, mụn nhọt...
Hệ bạch huyết là một phần hệ thống miễn dịch của cơ thể, bao gồm mạng lưới các mạch bạch huyết và hạch bạch huyết. Các mạch bạch huyết có nhiệm vụ thu thập và đưa chất lỏng trong suốt (bạch huyết) đi khắp cơ thể. Dịch bạch huyết chứa các tế bào bạch cầu giúp chống lại nhiễm trùng. Nếu không được dẫn lưu tốt, dịch bạch huyết sẽ tích tụ và gây sưng tấy.
Các hạch bạch huyết là cấu trúc nhỏ hoạt động như bộ lọc các chất lạ, chẳng hạn như tế bào ung thư và nhiễm trùng. Chúng chứa các tế bào miễn dịch có thể giúp chống lại nhiễm trùng bằng cách tấn công và tiêu diệt vi trùng. Có hàng trăm hạch bạch huyết nằm ở nhiều nơi trên cơ thể, bao gồm cổ, nách, ngực, bụng và bẹn.
Khi cơ thể nhiễm trùng, chấn thương hoặc ung thư, các hạch bạch huyết ở khu vực bị tổn thương sẽ sưng hoặc to ra, gọi là nổi hạch. Nổi hạch cho biết có điều gì đó không bình thường nhưng các triệu chứng khác kèm theo có thể giúp xác định chính xác vấn đề. Ví dụ đau tai, sốt nổi hạch gần tai cho thấy viêm tai hoặc cảm lạnh.
Các hạch bạch huyết thường sưng ở cổ, bẹn và nách. Trong hầu hết các trường hợp, chúng chỉ bị sưng ở một vị trí và trong một thời điểm nhất định. Nếu hạch bạch huyết nổi lên ở nhiều khu vực là nổi hạch toàn thân. Nguyên nhân thường do nhiễm liên cầu khuẩn và thủy đậu hoặc sử dụng một số loại thuốc. Mắc các bệnh về miễn dịch, ung thư hạch và bệnh bạch cầu cũng gây ra kiểu nổi hạch này.
Ung thư có thể xuất hiện trong các hạch bạch huyết theo 2 cách. Nó có thể bắt đầu ở ngay tại hạch được gọi là ung thư hạch hoặc nó có thể lây lan từ một bộ phận khác tới hạch, gọi là di căn hạch.
Bác sĩ Hải cho biết, các hạch bạch huyết khỏe mạnh rất nhỏ và khó tìm thấy. Nhưng khi bị nhiễm trùng, viêm hoặc ung thư, chúng thường có kích thước lớn hơn. Khi bị sưng, các hạch nằm ở phần gần bề mặt cơ thể như hạch cổ, hạch tai, hạch bẹn thường đủ lớn để có thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc sờ thấy bằng tay.
Đối với các loại hạch nằm sâu trong cơ thể như hạch bụng, hạch ngực, chỉ có thể phát hiện qua siêu âm, chụp CT-scan hoặc các chẩn đoán hình ảnh khác. Thông thường, các hạch bạch huyết gần khối ung thư được nghi ngờ di căn do ung thư. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hải, cách duy nhất để biết liệu có di căn ung thư trong một hạch bạch huyết hay không thì cần làm sinh thiết. Sinh thiết hạch hoặc chọc hút kim nhỏ là các phương pháp tìm dấu hiệu ung thư.
Bác sĩ Hải khuyến cáo, khi nổi hạch ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể kéo dài trên 2 tuần, bạn nên đến bệnh viện thăm khám, thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán kiểm tra chuyên sâu để chẩn đoán chính xác và có hướng xử trí phù hợp. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ mang lại tiên lượng tốt hơn và ngược lại.
Nguyên Phương