Trả lời:
Viêm thanh quản là tình trạng thanh quản bị viêm do hoạt động quá mức, kích ứng hoặc nhiễm trùng. Bình thường dây thanh đóng mở nhịp nhàng, tạo âm thanh thông qua chuyển động và rung động. Khi thanh quản viêm, dây thanh dễ bị kích thích dẫn đến sưng, làm biến dạng âm thanh. Người bệnh thường thấy giọng nói thay đổi, suy yếu, mất giọng.
Như bạn mô tả, mẹ bạn khả năng cao bị viêm thanh quản do nói quá nhiều. Để chắc chắn, bạn nên đưa mẹ đến các Trung tâm Tai Mũi Họng để khám và xác định nguyên nhân chính xác.
Viêm thanh quản được chia thành hai loại là cấp tính và mạn tính. Viêm thanh quản cấp tính là vấn đề sức khỏe tạm thời, phương pháp điều trị tùy vào nguyên nhân gây bệnh như nhiễm virus, vi khuẩn, viêm mũi xoang, viêm amidan, sử dụng giọng gắng sức (nói nhiều, la hét, hát to), uống quá nhiều rượu bia... Hầu hết trường hợp viêm thanh quản do nhiễm virus tạm thời và tự khỏi.
Viêm thanh quản mạn tính do thanh quản tiếp xúc với các chất gây kích ứng trong thời gian dài. Các chất kích ứng có thể là hóa chất độc hại hoặc chất gây dị ứng, trào ngược axit từ dạ dày, viêm mũi xoang thường xuyên, hút thuốc, lạm dụng giọng nói, bội nhiễm nấm do lạm dụng thuốc hít điều trị hen suyễn. Viêm thanh quản ở người lớn không nguy hiểm nhưng nếu người bệnh bị khàn giọng trên hai tuần, ho ra máu, sốt... nên đi khám vì có thể là triệu chứng bệnh tiềm ẩn khác.
Với trẻ em, viêm thanh quản có thể gây hẹp đường thở, viêm phế quản phổi... nguy cơ tử vong. Phụ huynh cần theo dõi triệu chứng bệnh, nếu trẻ sốt, khóc không ra tiếng hoặc khàn giọng nhiều, khó nuốt hoặc khó thở, phát ra âm thanh khò khè khi hít vào hoặc chảy nhiều nước dãi hơn bình thường cần đi khám ngay.
ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát
Trưởng đơn vị Tai Mũi Họng
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |