Tôi thường hay khó thở khi vận động mạnh, đôi lúc đi nhiều cũng mệt mỏi, cảm thấy tức ngực, khó thở. Tôi không biết dấu hiệu cảnh báo suy tim là gì và các giai đoạn của bệnh như thế nào, cần điều trị ra sao thưa bác sĩ? (Kim Hà, TP HCM)
Trả lời:
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh (Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết: Suy tim là hậu quả của nhiều bệnh khác nhau như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, bệnh cơ tim...
Khi bệnh nhân có triệu chứng suy tim, bác sĩ sẽ thực hiện điện tâm đồ, siêu âm tim. Nếu siêu âm tim thấy phân suất tống máu dưới hoặc bằng 40% là suy tim tâm thu. Nếu phân suất tống máu trên hoặc bằng 50% là suy tim tâm trương. Phân suất tống máu bảo tồn do các nguyên nhân khác nhau. Khi bệnh nhân suy tim có dấu hiệu khó thở, độ khó thở sẽ được phân loại theo Hiệp hội Tim mạch New Work Mỹ (NYHA) I, II, III, IV.
Bác sĩ Vinh chia sẻ thêm, Hội Tim Mạch Mỹ (AHA) thường chia suy tim chia thành 4 giai đoạn A, B, C, D. Giai đoạn A là có nguy cơ suy tim, đối với người bị tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn nhịp tim, uống nhiều rượu bia. Chữa trị từ giai đoạn A sẽ hiệu quả nhất, nếu qua giai đoạn B bệnh sẽ nặng hơn, đến giai đoạn D rất khó khăn trong điều trị. Phòng ngừa suy tim vẫn là biện pháp quan trọng nhất.
Theo ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao (Phó khoa Điện sinh lý và Loạn nhịp tim, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh), trong thực tế lâm sàng sẽ có hai nhóm bệnh nhân thường gặp. Nhóm đối tượng đã có triệu chứng như khó thở khi sinh hoạt, vận động, hạn chế về thể lực, công việc. Lúc này, bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân của những dấu hiệu này, một trong những chức năng cần đánh giá là tim mạch. Từ đó, có hướng điều trị.
Nhóm đối tượng còn lại là phát hiện bệnh tình cờ hoặc người nhà của bệnh nhân bị suy tim. Bệnh lý này có nguy cơ di truyền nên bác sĩ sẽ tầm soát cả những người trực hệ với bệnh nhân. Với bệnh nhân chưa có triệu chứng (giai đoạn A), việc chẩn đoán nguyên nhân sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu tìm thấy nguyên nhân, bệnh nhân sẽ được can thiệp hiệu quả ngay từ giai đoạn sớm. Còn với nhóm bệnh nhân đã có triệu chứng, bác sĩ sẽ điều trị tích cực, làm giảm tác hại của suy tim đang tiến triển.
Đến nay, các hiệp hội lớn của châu Âu, châu Á, Mỹ đã đưa ra 3 mô hình gồm bệnh nhân suy tim với phân suất tống máu giảm, suy tim với phân suất tống máu giảm nhẹ, suy tim phân suất tống máu bảo tồn. Hiện nay có nhiều kỹ thuật hiện đại để chẩn đoán suy tim, đặc biệt là chẩn đoán hình ảnh siêu âm tim. Những kỹ thuật mới giúp phát hiện thay đổi của chức năng tim ở giai đoạn sớm. Nếu bệnh nhân đã bị suy tim thì bác sĩ sẽ dựa vào phân suất tống máu chia 3 nhóm bệnh để tiếp cận điều trị phù hợp.
Ngọc An