Trả lời:
Đau dạ dày là tình trạng phổ biến, xuất hiện khi dạ dày bị tổn thương hoặc rối loạn vận động và có tăng tiết axit dịch vị. Từ đó, bệnh gây ra các cơn đau âm ỉ, nóng rát kéo dài. Các triệu chứng thường gặp bao gồm ợ chua, trào ngược axit, buồn nôn, đầy hơi, ợ hơi, hơi thở có mùi hôi hoặc chua.
Sữa chua là sản phẩm lên men từ sữa nhờ một hoặc nhiều vi khuẩn họ eactobacillus, enterococcus. Thành phần của sữa chua gồm có hai probiotics (lợi khuẩn) chính là bifidobacterium, lactobacillus, đạm, đường, chất béo, vitamin C, B, A, canxi, kali, magie...
Trong sữa chua có chứa khoáng chất, vitamin và một số chất dinh dưỡng khác giúp tiêu hóa tốt, cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Thực phẩm cũng góp phần phục hồi sự cân bằng vi khuẩn đường ruột cho người bị tiêu chảy cấp hoặc vừa mới qua một đợt điều trị kháng sinh.
Sữa chua có tính axit nhẹ, thấp hơn nhiều so với nồng độ axit trong dịch vị tiêu hóa. Do vậy, người bệnh đau dạ dày vẫn có thể ăn món này bình thường. Các lợi khuẩn có trong sữa chua còn mang lại lợi ích cho đường ruột của người bệnh. Ví dụ, lactobacillus acidophilus tạo ra axit lactic và hydroperoxide ức chế vi khuẩn HP (H.Pylori), thúc đẩy vi khuẩn có lợi phát triển, làm dịu tình trạng viêm, đau dạ dày.
Lợi khuẩn bifidobacterium bifidum và bifidobacterium breve góp phần cân bằng lại hệ vi sinh trong đường tiêu hóa, cải thiện hội chứng ruột kích thích, giảm áp lực tiêu hóa cho dạ dày. Bacillus coagulans tiết ra các chất giúp ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, bệnh viêm ruột, xoa dịu các vết viêm, loét.
Hiệp hội Tiêu hóa Mỹ khuyến cáo dùng sữa chua để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giảm táo bón, tiêu chảy và các vấn đề về đường ruột khác. Người bị loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP, nếu điều trị bằng thuốc kết hợp dùng sữa chua phù hợp có thể tăng hiệu quả.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |